Nghệ An quyết liệt chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

0

Nội dung Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp được Nghệ An triển khai quyết liệt, có hiệu quả.

Thủy sản Nghệ An đang thực hiện tốt các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Ảnh: Anh Khôi.

Nghệ An có chiều dài bờ biển trên 82 km, diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cũng như neo đậu tránh trú ẩn. Vùng biển được xem là cửa ngõ quan trọng, là cầu nối thực hiện các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế của địa phương.

Với tiềm năng sẵn có, kết hợp cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực, trên hết là sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, địa phương, kinh tế biển Nghệ An những năm qua có bước phát triển rõ rệt, tỷ trọng của ngành khai thác trong ngành thủy sản chiếm 63,64%. Trong thành quả chung, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) góp công không nhỏ.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, tỉnh Nghệ An đã xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Nhờ đó áp lực dần vơi đi, cơ bản đã khắc phục được những vấn đề, tồn tại mà các Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã chỉ ra trong các đợt kiểm tra trước đây.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo ngành thủy sản Nghệ An xử lý, khắc phục những vấn đề tồn đọng. Ảnh: Anh Khôi.

Rõ nhất là sự chuyển biến trong nhận thức của ngư dân. Thay vì thụ động, thiếu tinh thần hợp tác, nay phần đa đã thay đổi nếp nghĩ, luôn chủ động thông báo trước khi cập/rời cảng cá cũng như tuân thủ việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định.

Công tác giám sát, quản lý phát huy hiệu quả cũng nhờ phần nhiều vào ý thức, trách nhiệm của ngư dân. Qua kiểm tra thấy rằng phần lớn chủ tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản thực hiện tốt, đảm bảo 100%; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cửa lạch, trên biển của các tổ, đoàn diễn ra thường xuyên liên tục, bất chấp gặp không ít thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (phương tiện không đảm bảo, kinh phí hạn hẹp…).

Việc thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn Nghệ An đã có những bước tiến tích cực, dù vậy chừng đó chưa thể khỏa lấp đi những mặt tồn tại, hạn chế.

Trên thực tế, việc lắp đặt thiết bị VMS (quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ) chưa đạt kết quả như mong đợi, tỷ lệ còn thấp; tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, đặc biệt là tàu cá mất kết nối trên 10 ngày vẫn phổ biến, công tác xử lý chưa mạnh; tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn tiếp diễn (tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản; khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng chứng chỉ, không mang giấy tờ tùy thân khi tham gia khai thác thủy sản…).

Bên cạnh những mặt đạt được, Nghệ An phải khẩn trương xử lý những tồn tại, yếu kém để hướng đến việc phát triển bền vững ngành nghề thủy sản. Ảnh: Anh Khôi.

Để sớm khắc phục, thời gian tới ngành thủy sản Nghệ An sẽ quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về các giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo ”Thẻ vàng” của EC.

Trong đó, tập trung tiển khai các nhiệm vụ tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ”Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”, quyết hướng đến mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng bền vững.

Theo Anh Khôi

Nguồn https://nongnghiep.vn/nghe-an-quyet-liet-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-d339612.html