Nguy cơ mất vốn Nhà nước tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê

0

Từ một dự án có hơn 400 lao động, Dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) hiện chỉ còn vài chục lao động hàng năm nhận hỗ trợ tiền lương từ tập đoàn mẹ. Chưa kể nguy cơ mất vốn Nhà nước đang hiện hữu trong trường hợp dự án này phải chấm dứt hoạt động.

Thiết bị tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hư hỏng sau nhiều năm tạm dừng triển khai. Ảnh: Minh Nghĩa

Vẫn chưa có tiếng nói chung

“Số phận” của dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa có lối ra khi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và tỉnh Hà Tĩnh không có được sự đồng thuận cần thiết trong cuộc họp chiều ngày 3.7.

Tại cuộc họp này, phương án khai thác đến độ sâu 145 m được TKV đưa ra và theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, phương án khai thác trung gian này được tập đoàn giao Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị để đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét cho phép TIC triển khai.

Theo ông Đặng Thanh Hải, việc triển khai thực hiện theo phương án trung gian này được TKV xem xét, đánh giá đảm bảo các yêu cầu về kĩ thuật, an toàn, môi trường và có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc đảm bảo thu hồi được vốn của các cổ đông, bảo toàn được vốn Nhà nước, việc triển khai phương án trung gian sẽ là công tác thực nghiệm nhằm khẳng định tính thực tiễn để báo cáo Bộ Chính trị quyết định tiếp tục hay dừng triển khai khai thác đến mức -550 m của dự án.

Kết luận buổi làm việc chiều 3.7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh, địa phương hết sức trăn trở về những hệ lụy có thể xảy ra nếu tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Do mỏ sắt nằm gần trung tâm TP Hà Tĩnh, sát bờ biển, nơi gần nhất 300 m; trong khi đó, các phương án khai thác mà TKV đưa ra chưa thực sự thuyết phục nên lãnh đạo tỉnh đề xuất Chính phủ cho chấm dứt khai thác.

Về giải quyết một số tồn đọng, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ cùng TKV có phương án tối ưu nhất để trình Chính phủ.

Cảnh hoang tàn, phương tiện gỉ sét tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) sau nhiều năm tạm dừng triển khai. Ảnh: Minh Nghĩa

2.000 tỉ đồng sẽ đi về đâu?

Phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí quý I/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh – cho biết, nhiều năm nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi rất nhiều văn bản ra Trung ương đề nghị chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nhưng đến nay vẫn đang khó khăn, vướng mắc.

Sau rất nhiều bàn cãi, đến tháng 4.2023, có 3 phương án được đưa ra cho mỏ sắt Thạch Khê với phương án 1 là vẫn tiếp tục khai thác đến độ sâu 145 m để bù đắp chi phí đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỉ đồng, phương án thứ hai là dừng và phương án thứ 3 là chấm dứt dự án.

Các báo cáo của TKV cho thấy, vào thời điểm dự án hoạt động trước đây, tại Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) có 217 lao động và hơn 200 lao động của các nhà thầu (lao động của TIC và nhà thầu chiếm đa số là người dân địa phương). Tuy nhiên do phải tạm dừng dự án, TIC hiện chỉ còn lại 48 lao động và trong thời gian tạm dừng dự án, TKV đã phải hỗ trợ việc làm, tiền lương bảo hiểm cho người lao động với tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Đáng chú ý, ông Đặng Thanh Hải cho hay, việc tạm dừng dự án đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho TIC mà rõ nhất là nguy cơ mất vốn góp của các nhà đầu tư, trong đó chiếm đa số vốn Nhà nước nếu chấm dứt hoạt động dự án.
Chưa kể TIC đã ứng vốn, giải ngân cho địa phương hơn 379,8 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 816 ha nhưng đến nay địa phương mới hoàn thành thủ tục quyết toán với giá trị trên 235,2 tỉ đồng. Việc dự án phải tạm dừng dẫn đến nhiều hộ dân tái lấn chiếm, tái canh, tái cư, xây mồ mả trên diện tích đã được bồi thường; Một số hộ dân đã nhận bồi thường nhưng không di dời.

Trong khi đó TKV đặt mục tiêu với phương án khai thác đến mức – 145m có thể khai thác 41,8 triệu tấn quặng nguyên khai, tổng nộp ngân sách hơn 17.103 tỉ đồng trong vòng 10 năm.

Ông Đặng Thanh Hải cho hay, phương án này sẽ giải quyết triệt để được các vướng mắc hiện tại và bảo toàn được vốn Nhà nước và vốn của các cổ đông đã góp vào TIC, không gây ra các hệ lụy từ việc chấm dứt hoạt động dự án.

Theo Lam Duy

Nguồn https://laodong.vn/xa-hoi/nguy-co-mat-von-nha-nuoc-tai-du-an-mo-sat-thach-khe-1212812.ldo