HAGL ngẩng cao đầu tạm biệt AFC Champions League

481

Trở lại sân chơi danh giá nhất châu lục cấp CLB, xuất hiện không ít lo lắng khi HAGL rơi vào bảng đấu “xương” nhất của khu vực Đông Á cùng ĐKVĐ Hàn Quốc và á quân Nhật Bản, Australia.

Đã vậy, họ lại khởi đầu trầy trật ở mùa giải mới, sau 4 vòng đầu tiên V.League 2022 vẫn chưa biết thắng (hòa 3, thua 1), chỉ đứng thứ 9. Thậm chí, nói như HLV Kiatiasak, có người đã cho rằng, dù được chơi trên sân nhà nhưng để có 1 điểm với HAGL cũng khó.

Thế mà đại diện Việt Nam đã mang về 5 điểm, thậm chí có thể gấp đôi nếu như không đánh rơi 5 điểm trong 3 trận lượt đi (hoàn toàn có thể hòa Yokohama, thắng Sydney và hòa Jeonbuk). Dù vậy, đoàn quân của HLV Kiatisak vẫn giữ đúng lời hứa, cùng với 12 ngàn vé tặng người hâm mộ, họ đã có lời tri ân và chia tay đầy ấn tượng bằng chiến thắng thuyết phục trước CLB vô địch Australia 3 trong 5 mùa gần nhất, đẩy đại diện của nền bóng đá hạng 4 châu Á xuống chót bảng.

Vẫn phối hợp bật nhả bài bản nhưng 6 trận đấu tại AFC Champions League (ACL) còn là một HAGL thi đấu với tinh thần tận hiến vì màu cờ sắc áo, vì khán giả và thương hiệu của đội bóng. Tất cả cầu thủ đều nỗ lực vượt trên sức mình, từ Công Phượng trong vai trò mới tiền vệ đến trung vệ Hữu Tuấn, 2 wing-back Văn Thanh, Hồng Duy. Nhưng chói sáng là thủ môn Tiến Linh và Văn Toàn. Nếu Tiến Linh có không dưới 10 pha cứu thua thì Văn Toàn tìm lại sự tự tin đánh mất một cách đáng ngạc nhiên, luôn là mối đe dọa thường trực với các trung vệ cao to của đối phương bởi sự “quá nhanh, quá nguy hiểm” và tinh thần thi đấu “liều mình như chẳng có”. Dấu ấn của HLV Kiatisak về cả tâm lý (như liên tục luân chuyển chiếc băng thủ quân, người chơi hay nhất trận trước sẽ được trao cho trận sau: từ Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh và trở lại Văn Toàn) lẫn chuyên môn (những pha bất ngờ hoán đổi vị trí của Hồng Duy, Công Phượng khiến Sydney rối loạn trước khi nhận bàn thua).

Tuy nhiên, là lò đào tạo cho mượn quân khắp nơi nhưng đội hình HAGL “ra biển lớn” lại quá “hẻo”, không đủ chiều sâu. Với mật độ thi đấu 3 ngày/trận, trong khi các đối thủ đều xoay vòng lực lượng, thay đổi đến phân nửa ở mỗi trận thì trong tay HLV Kiatisak chỉ quanh quẩn có 13-14 cầu thủ, càng thêm mỏng khi Thanh Nhân, Hữu Phước, Đình Lâm còn quá non. Có đủ nền tảng thể lực để gồng mình thi đấu là bước tiến bộ rất lớn của HAGL nhưng đó cũng là nguyên nhân hầu hết 7 bàn thua đều diễn ra vào nửa cuối hiệp 2 và từ các tình huống cố định.

Đã thế, nội binh còn phải “gánh Tây”, ngoài trung vệ Kim Dong-su xuất sắc, tiền đạo Brandao tròn vai, trung vệ lệch trái Mauricio tiến bộ qua từng trận nhưng không hơn hàng nội “xịn”. Nỗi thất vọng lớn nhất là tiền đạo Baiano, chỉ sau trận đầu tiên bị cất luôn trên ghế dự bị.

6 bài học quý trong lần đầu ra đấu trường châu Á cấp CLB giúp “những đứa trẻ của bầu Đức” trưởng thành, trở lại mạnh mẽ hơn ở V.League và hoàn toàn có thể nói lời hẹn gặp lại ACL 2023 khi bóng đá Việt Nam sẽ có tới 3 đại diện (1 vào thẳng vòng bảng và 2 suất play-off).

2 CLB Đông Nam Á vào vòng 1/8

Đăng cai vòng bảng như HAGL, Johor Darul Ta’zim (Malaysia) và BG Pathum United (Thái Lan) đã đi tiếp bằng vé chính thức. Tại bảng I, Johor vượt mặt ĐKVĐ Nhật Bản Kawasaki Frontale, á quân Hàn Quốc Ulsan Hyundai để giành ngôi đầu. Còn Pathum bất bại ở bảng G (3 thắng, 3 hòa) trước ĐKVĐ Australia Melbourne City, vô địch FA Cup Hàn Quốc Jeonnam Dragons.

3 đội nhất bảng khu vực phía Đông còn lại là Daegu FC (bảng F), Yokohama (bảng H) và Vissel Kobe (Nhật Bản); 3/4 tấm vé cho đội nhì bảng có thành tích tốt nhất thuộc về: Jeonbuk (bảng H), Urawa Red Diamonds (Nhật) và Kitchee (Hong Kong). 4 cặp đấu của vòng 1/8 sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19-8-2022 như sau: Daegu – Jeonbuk, Pathum – Kitchee, Johor – Urawa, Vissel Kobe – Yokohama.

Khu vực Tây Á, sang năm 2023, vòng 1/8 mới diễn ra (ngày 3 và 4-2).

Đông Kha – Phương Duy