Hành trình truy bắt kẻ giết 2 người sau 25 năm lẩn trốn

0

Lẩn trốn một nơi cách địa điểm gây án hơn 1.000km, trong một xã vùng cao, với nhân thân mới, nhưng Thi vẫn không thoát.

Vụ án rúng động dư luận

Năm 1997, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận còn là một xã nghèo, nhà cửa thưa thớt. Sau lúc đi làm mệt nhọc, những người đàn ông trong xã thường ngồi lại với nhau làm vài ly rượu để tâm sự. Và trong lúc này, một vụ án mạng chấn động làng quê đã xảy ra.

Ngày 29/6/1997, Mai Văn Thi lúc đó 41 tuổi từ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào xã Đa Kai làm thuê.

Thi cùng 2 người làm thuê khác là Trần Quốc T. và Nguyễn Quốc Kh. (đều ngụ ở xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) tổ chức nhậu trong một chòi rẫy ở thôn Rô Mô, xã Đa Kai.

Trong lúc nhậu, anh T. và anh Kh. thách thức đánh nhau với Thi. Khi men rượu thấm vào người, không giữ được mình nên Thi dùng dao đâm liên tiếp khiến 2 bạn nhậu tử vong tại chỗ. Còn Thi nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thời điểm đó, việc Thi giết chết 2 người khiến cả xã Đa Kai, huyện Đức Linh rúng động.

Trước tính chất côn đồ và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã cử những cán bộ giỏi nhất đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và truy bắt hung thủ.

Tháng 7/1997, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Quyết định truy nã đặc biệt số 15, truy nã Mai Văn Thi trên toàn quốc.

Dù Công an tỉnh đã thành lập chuyên án, tổ chức lực lượng truy nã, truy tìm nhiều năm liền, nhưng Thi đã biến mất không một dấu vết.

Trong quá khứ, Thi là đối tượng bất hảo. Trước khi vào tỉnh Bình Thuận, y từng bị kết án 6 năm tù giam về tội Trộm cắp tài sản. Chấp hành xong hình phạt tù, Thi bỏ vợ con rời tỉnh Thanh Hóa vào Nam, cắt đứt toàn bộ liên lạc với gia đình. Vì vậy, công tác truy tìm Thi như đi vào ngõ cụt.

Ngoài chuyên án của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, Phòng Truy nã truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự cũng xác lập chuyên án truy nã tìm Thi gắt gao.

Đối tượng Mai Văn Thi (Ảnh:NL).

Cúi đầu trước pháp luật sau một cuộc gọi video

Quá trình dựng lại nhân thân, lai lịch của Mai Văn Thi, các trinh sát của Phòng Truy nã truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự nhận được nguồn tin quý giá, nhiều khả năng người nghi vấn là Thi đang sinh sống cùng vợ con mới ở xã miền núi Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Cuối tháng 11/2022, tổ công tác của Phòng Truy nã truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự do Thượng tá Nguyễn Hồng Quân làm tổ trưởng đến huyện Sơn Dương tổ chức phối hợp xác minh nguồn tin.

Người mà nguồn tin nhắc đến hiện có tên là Nguyễn Văn Điệp đã 71 tuổi, quê quán tỉnh Quảng Ngãi. Căn cứ để đối chiếu, xác định nhân thân của Thi là bức ảnh có trong hồ sơ. Nhưng sau 25 năm, bức ảnh đã bị phai màu không thể so sánh để nhận diện.

Không bỏ cuộc, các trinh sát tiếp tục kiểm tra tàng thư, thời gian người tên Điệp có mặt tại địa phương. Một tình tiết quan trọng đã được tìm thấy, thời gian ông Điệp đến xã Kháng Nhật là năm 1997, trùng với thời điểm sau khi gây ra vụ án mạng kinh hoàng ở tỉnh Bình Thuận.

Từ những chứng cứ này, tổ công tác đã mời ông Điệp lên làm việc. Nhưng ông Điệp không nhận mình là Mai Văn Thi và cho rằng công an đã tìm nhầm người.

Điệp khẳng định mình sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Ngãi. 25 năm trước nghe theo lời bạn bè rủ rê mới rời quê hương ra huyện Sơn Dương, Tuyên Quang sinh sống rồi lập gia đình…

Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm đánh án, truy tìm những đối tượng trốn nã lâu năm, tổ công tác đã dùng công nghệ khiến Điệp cúi đầu nhận tội.

Bằng cách dùng điện thoại gọi video cho người vợ đầu của Mai Văn Thi đang ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Người vợ này nhanh chóng nhận ra người chồng tệ bạc.

Bà còn gọi con trai của Mai Văn Thi ra gặp mặt bố. Lúc này, người đàn ông 71 tuổi, Nguyễn Văn Điệp mới bật khóc, thừa nhận mình chính là Mai Văn Thi, người đã giết chết 2 người bạn nhậu hơn 25 năm trước.

Theo lời khai của Thi, sau khi gây án, Thi đón xe đến tỉnh Đồng Nai, rồi đến tỉnh Lâm Đồng, sau đó ra tỉnh Quảng Ngãi trốn một thời gian.

Tuy nhiên do gây ra vụ án mạng quá nghiêm trọng nên cuối năm 1997, Thi quyết định đi thật xa. Thi chọn xã miền núi Kháng Nhật, huyện Sơn Dương làm nơi lẩn trốn. Ở đây, Thi lập gia đình rồi thay tên, đổi họ, khai man quê quán, nhân thân… nhập hộ khẩu vào gia đình nhà vợ.

Sau khi đối tượng Thi được bàn giao cho Công an tỉnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh đã cử một tổ công tác đến thôn Rô Mô, xã Đa Kai, huyện Đức Linh để tiếp tục lấy lời khai của những người chứng kiến vụ án mạng kinh hoàng 25 năm về trước.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, bước đầu Thi đã thừa nhận toàn bộ hành vi đúng với diễn biến và hồ sơ vụ án vào năm 1997.

Có thể thấy rằng, truy bắt đối tượng bị truy nã chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi các đối tượng sau khi bỏ trốn thường lựa chọn những địa điểm ở xa nơi cư trú ban đầu, đồng thời thay đổi thân phận, dùng giấy tờ tùy thân giả để kết hôn và sinh con với người dân địa phương…

Đây là cuộc chiến gian nan đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền cùng toàn dân để làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tuyên truyền vận động người bị truy nã ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.