Vụ cưa gỗ khô: Tòa Cấp cao bác kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Cấp cao tại Đà Nẵng

0

Theo Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, việc các bị cáo bị kết án tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngày 19-4, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Lê Quốc Khánh và các đồng phạm cưa gỗ trắc chết khô tại rừng đặc dụng Đăk Uy bị TAND tỉnh Kon Tum xét xử tội trộm cắp tài sản (PLO gọi tắt là vụ án cưa gỗ khô).

Các bị cáo trong vụ án cùng Luật sư từng rất nhiều lần ra Đà Nẵng và Hà Nội để kêu oan. Ảnh: KT

Trước đó, ngày 17-3, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 27/9/2017 của TAND huyện Đăk Hà và bản án hình sự phúc thẩm số 15/2019/HSPT ngày 12/8/2019 của TAND tỉnh Kon Tum theo thủ tục giám đốc thẩm.

Quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên.

Tại quyết định giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước theo quy định của Điều 200 BLDS năm 2005.

Hành vi khai thác trái phép cây rừng gắn với một chủ thể nhất định và thường diễn ra công khai mà không ở mức độ lén lún như hành vi trộm cắp tài sản thì mới bị xử lý về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại Điều 175 BLHS.

Căn cứ khai nhận của các bị cáo, tài liệu, chứng cứ khác của vụ án đã đủ căn cứ để xác định Lê Quốc Khánh và đồng phạm biết rõ trong rừng đặc dụng Đăk Uy có cây khô (là loại gỗ trắc) có giá trị và thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy nên đã bàn bạc, cấu kết với cán bộ kiểm lâm và thực hiện hành vi lén lút vào rừng cưa trộm, lấy một khúc gỗ trắc trị giá hơn 19 triệu đồng.

Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản các các bị cáo đã đủ yếu cố cấu thành tội trộm cắp tài sản nên Bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm kết án các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.

Về nội dung kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định như sau:

Điều 175 BLHS năm 1999 về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xác định người phạm tội này là người có hành vi “khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng”.

Điểm a tiểu mục 1.1 mục 1 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC- TANDTC ngày 08/3/2007 quy định hành vi “Khai thác trái phép cây rừng” là hành vi khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong trường hợp pháp luật quy định việc khai thác đó chỉ được thực hiện khi đã được cấp giấy phép và giấy phép còn trong thời hạn;…

Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định: Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên…

Theo các quy định trên thì thực vật rừng (là thành tố của hệ sinh thái cấu tạo nên Rừng) phải là cây còn sống mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Hành vi khai thác trái phép cây rừng gắn với một chủ thể nhất định và thường diễn ra công khai mà không ở mức độ lén lún như hành vi trộm cắp tài sản thì mới bị xử lý về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại Điều 175 BLHS.

Trong vụ án này, cây gỗ trắc đã chết khô, không còn là thực vật rừng nên không còn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Đồng thời, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 15/2019/HSPT ngày 12/8/2019 của TAND tỉnh Kon Tum.

Viện Cấp cao có quyền đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một kiểm sát viên cao cấp của VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết: Khi viện trưởng VKSND Cấp cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại, trường hợp TAND Cấp cao chấp nhận kháng nghị thì vụ án phải tiến hành điều tra lại từ đầu.

Tuy nhiên, nếu TAND Cấp cao bác kháng nghị thì VKSND Cấp cao vẫn có quyền báo cáo lên VKSND Tối cao đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu VKSND Tối cao thấy vụ án có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì sẽ ban hành kháng nghị giám đốc thẩm quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao