Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu, cơ hội nào cho nhà đầu tư?

585

Theo chuyên gia, thị trường hiện tại sẽ không còn là câu chuyện “mua gì cũng thắng”, mua dòng nào khỏe là có ăn. Thị trường sẽ vô cùng phân hóa và cơ hội sẽ xuất hiện theo hướng “đầu tư ngách”.

Trong phiên cuối tuần, thanh khoản thị trường có sự cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt 21.384 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian gần đây thanh khoản thị trường xuống mức rất thấp, chỉ duy trì khoảng 15 nghìn tỷ khớp lệnh/phiên. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự của vấn đề này? Liệu thanh khoản mất hút sẽ diễn ra bao lâu? Và quan trọng nhất là nhà đầu tư cá nhân nên hành xử như thế nào trong thời điểm này?

Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hồng Điệp – CEO của CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk nhận định dòng tiền là khái niệm rất quan trọng và luôn ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán cả trong dài hạn và ngắn hạn. Hiện nay, thanh khoản TTCK Việt Nam được tạo ra bởi 90% dòng tiền đến từ khối các nhà đầu tư cá nhân.

Để định lượng con số là bao nhiêu, chuyên gia dựa vào một nghiên cứu chuyên sâu của một tổ chức tài chính cách đây vài năm: “Chu kỳ nắm giữ cổ phiếu của NĐT cá nhân trung bình là 12-14 phiên giao dịch”. Dù bây giờ thị trường đã có nhiều thay đổi, nhưng hành vi của các nhà đầu tư cá nhân cũng chưa có sự khác biệt so với trước đây.

Theo đó, nếu lấy con số giá trị giao dịch trung bình trong 6 tháng gần nhất là 29 nghìn tỷ/phiên nhân với 13, chúng ta sẽ có đại lượng tổng dòng tiền tạo thanh khoản (đây là dòng tiền tạo thanh khoản, chứ không hẳn là tổng dòng tiền đầu tư). Từ đó chúng ta ước lượng dòng tiền đang chi phối và tạo ra giao dịch hàng ngày ở TTCK Việt nam khoảng 380 nghìn tỷ.

Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm sâu, cơ hội nào cho nhà đầu tư? – Ảnh 2.
Ông Nguyễn Hồng Điệp – CEO của CTCP Tư Vấn Đầu Tư S-Talk

Từ những phân tích nêu trên, ông Điệp nêu 4 nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm trong thời gian gần đây:

Thứ nhất, tâm lý nghi ngại: Khi thị trường trải qua những cú sốc giảm điểm lên đến hơn 60 điểm/phiên, tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ bị dao động. Dù việc bán tháo đã không còn, việc xử lý margin call cũng rất ít, nhưng nhà đầu tư cũng không dám xuống tiền trong thời điểm hiện tại.

Thứ hai, hiệu ứng kỳ nghỉ lễ: Thông thường trước các kỳ nghỉ lễ kéo dài, nếu tình hình chính trị, kinh tế xã hội có nhiều điểm khó lường, xu hướng các NĐT sẽ không mua vào để giữ cổ phiếu trong những ngày này.

Thứ ba, nhà tạo lập đang “nằm im”: Sau những động thái xử lý một vài người có hành vi thao túng, các đội nhóm “lái tàu” đã hoàn toàn e dè. Dù bản chất việc tạo lập thị trường là cần thiết ở bất kỳ TTCK nào trên thế giới, nhưng vàng thau lẫn lộn, cho nên nhiều nhà tạo lập ở các cổ phiếu đã không dám hành động vào lúc này.

Thứ tư, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp: Theo chuyên gia, đây là nguyên nhân chủ chốt nhất trong 4 nguyên nhân. Sở dĩ bởi trong 2 năm 2020-2021, số lượng TPDN phát hành là rất lớn. Theo con số thống kê của NHNN hiện số lượng TP đang lưu hành là 274.000 tỷ, tương đương khoảng 12 tỷ USD.

Phải xác định TPDN là ưu việt, là kênh được nhà nước ủng hộ về chủ trương, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa lên con số 20% GDP – tương đương 80 tỷ USD, gấp hơn 6 lần hiện nay. Do đó, không bao giờ có chuyện “bóp nghẹt” kênh phát hành TPDN, Chính Phủ đang chỉnh sửa và kiểm soát chặt chẽ hơn để thị trường TPDN phát triển bền vững. Có những vấn đề nổi trội nhất trong lĩnh vực này là phát hành sai mục đích, sai đối tượng mua, không có tài sản đảm bảo, chất lượng doanh nghiệp thấp, thậm chí còn dựng lên ma trận đa cấp các công ty con cháu, có tính chất lừa đảo người mua.

Không tính đến những doanh nghiệp có hành vi sai phạm trong phát hành TPDN, kể cả phát hành đúng mục đích cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng vốn. Các dự án BĐS triển khai quá chậm trễ do thủ tục hành chính, do việc cấp phép rất khó khăn. Chính điều này gây ra hệ lụy là các doanh nghiệp đã phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp, có vốn về rồi cũng không biết làm gì khiến doanh nghiệp bị áp lực trong việc phải bảo toàn và bù đắp chi phí lãi vay. Họ có thể gửi lại tiết kiệm vào chính ngân hàng đã mua trái phiếu của họ, nhưng sẽ có một phần chảy vào kênh chứng khoán bởi sự an toàn trong đầu tư là khá cao.

Bên cạnh đó, việc nhiều ông chủ doanh nghiệp mang tiền phát hành TPDN để đầu tư chứng khoán là hiện tượng xảy ra trong năm 2021. Đặc biệt, sau khi vụ việc Tân Hoàng Minh xảy ra, thông điệp của Chính Phủ là thanh tra toàn diện các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ rút tiền từ kênh chứng khoán về, con số khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền tạo thanh khoản bị hụt đi khá đáng kể từ con số này.

Như vậy, qua tổng hợp lại 4 nguyên nhân trên có thể thấy rằng dòng tiền tạo thanh khoản khoảng 380 nghìn tỷ sẽ bị mất đi đâu đấy tầm 120 nghìn tỷ, tương đương 30%. Hay nói cách khác, thanh khoản sẽ giảm 30% so với trung bình 6 tháng gần nhất. Có nghĩa là nếu chúng ta thường chứng kiến giá trị giao dịch thị trường khoảng 29 nghìn tỷ/phiên, thì bây giờ nên chấp nhận ở con số 18 – 22 nghìn tỷ/phiên.

Đặt ra câu hỏi là liệu điều này sẽ diễn ra trong bao lâu? “Theo tôi khoản tiền thu về của trái phiếu sẽ khó quay trở lại. Còn dòng tiền từ 3 nguyên nhân khác có thể sẽ biến động theo chiều hướng tích cực hơn. Nhưng nếu không có gì đột biến từ dòng tiền mới (ví dụ dòng tiền nước ngoài), tôi nghĩ rằng việc thanh khoản xoay quanh con số 20 nghìn tỷ/phiên sẽ diễn ra trong vòng ít nhất 3-6 tháng nữa”, ông Nguyễn Hồng Điệp dự báo.

Theo chuyên gia, sau khi xác định được nguyên nhân của việc “biến mất” dòng tiền, nhà đầu tư nên hoạch định chiến lược, lên kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư trong năm 2022. Dù rất khó khăn, nhưng kênh chứng khoán vẫn là kênh ưu tiên, vẫn có thể tạo hiệu quả tốt cho NĐT năm 2022 này.

Tất nhiên thị trường hiện tại sẽ không còn là câu chuyện “mua gì cũng thắng”, mua dòng nào khỏe là có ăn. Thị trường sẽ vô cùng phân hóa và cơ hội sẽ xuất hiện theo hướng “đầu tư ngách”. Cụ thể, sẽ có nhiều nhóm ngành đi theo con đường riêng, lúc đó giá cổ phiếu sẽ không phụ thuộc vào yếu tố dòng tiền hay thanh khoản nữa, mà là câu chuyện đặc biệt của doanh nghiệp, đa phần là phụ thuộc vào giá trị nội tại hay một vài “game” riêng biệt.

Thị trường chứng khoán đã tăng độ khó rất nhiều, tâm lý bầy đàn mua “theo người bên cạnh” sẽ không còn nữa. Lúc này chính là lúc tri thức đầu tư lên ngôi. Nhà đầu tư cần hiểu bản chất các cổ phiếu mình mua bán, không còn cảnh “mua vì cầu mạnh quá”, mà không hề biết nội tại doanh nghiệp đó như thế nào, giá đã đủ rẻ hay chưa, P/E tương lai có hấp dẫn hay không?

“Tuy khó khăn, song tôi cho rằng đây không phải là dấu chấm hết, mà đó lại là cơ hội lớn cho việc kiếm lợi nhuận. Khi thị trường có sự chuẩn chỉ hơn, thì chỉ có con đường học hỏi liên tục, bỏ công sức ra mới có thể thu được thành công. Tôi sẽ ưu tiên vào 5 nhóm ngành trong thời gian gần là Bán lẻ, Cảng và vận tải biển, Thủy sản, Bảo hiểm, Vật liệu (Phân bón, Hóa chất, Thép)”, CEO S-Talk đánh giá.

Nguồn: https://soha.vn/thanh-khoan-thi-truong-chung-khoan-giam-sau-co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-20220502192815765.htm