Tuyển dụng giáo viên: Thầy cô cần, cấp trên… đủng đỉnh

582

Một trong những lý do để giáo viên hợp đồng gắn bó nhiều năm liền dù mức lương ít ỏi là hy vọng có cơ hội tuyển dụng vào biên chế.

Giờ học tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An).

Nhưng ở nhiều địa phương cho thấy việc phân bổ chỉ tiêu còn chậm. Có nơi sớm phân bổ chỉ tiêu nhưng xây dựng kế hoạch tuyển dụng qua nhiều vòng thẩm định, chậm trễ triển khai…

Thấp thỏm chờ ngày tuyển dụng

Cô Nguyễn Thị Oanh từng công tác và được tuyển dụng vào biên chế tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) từ năm 2001. Sau thời gian dài cống hiến ở vùng cao, cô xin chuyển về xuôi do hoàn cảnh gia đình. Năm 2016, cô nghỉ việc ở huyện Kỳ Sơn, rồi thi trúng tuyển vào vị trí giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 – 09 tại Trường Mầm non Hưng Dũng 2 (TP Vinh).

Từ đó đến nay, nhiều lần cô mong được tuyển dụng vào biên chế để đảm bảo chế độ nhưng chưa có chỉ tiêu. Cho đến gần đây mới có thông báo tuyển dụng từ UBND TP Vinh, cô Oanh lại một lần nữa “đèn sách” ôn thi vào biên chế.

Cũng tại Trường Mầm non Hưng Dũng 2, cô Trần Thị Tâm chỉ còn thời gian ngắn nữa là nghỉ sinh vẫn cố gắng ôn tập chuẩn bị cho kỳ tuyển dụng viên chức đã chờ đợi gần 10 năm.

Trước đó, sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non, cô Tâm được hợp đồng công tác ở Trường Mầm non Quang Trung 2 theo diện 09. Từ đó đến nay, cô vẫn chưa có cơ hội để vào biên chế. “Mới đây thấy thông tin tỉnh ưu tiên biên chế các giáo viên thuộc diện 06 – 09, tôi rất phấn khởi và cũng hồi hộp, chỉ mong nhận được quyết định chính thức trước khi nghỉ sinh”, cô chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hưng Dũng 2 cho hay, trường có 3 giáo viên thuộc diện 06 – 09 đều có năng lực và đã công tác nhiều năm. Vì vậy, nhà trường mong các cô sớm được tuyển dụng vào biên chế để yên tâm công tác và giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc bố trí công việc.

Thầy Nguyễn Văn Tuyên Hoàng (bên phải) vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ. Ảnh: NVCC

Giáo viên giỏi mòn mỏi giữ nghề

Cô Phan Thị Lâm (sinh năm 1989) là giáo viên mầm non hợp đồng tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nhưng có chuyên môn đại học Sư phạm Địa lý. Cô chia sẻ, bản thân tốt nghiệp Trường Đại học Đà Nẵng và được ký hợp đồng làm việc tại Trường THCS Phú Hồng. Năm 2016, huyện thông báo tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 – 09, cô đã học thêm bằng trung cấp mầm non và tham gia tuyển dụng.

“Dù trái ngành đào tạo nhưng khi công tác ở bậc mầm non, dần dần tôi cũng quen với việc chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương trẻ. Xác định đây là công việc sẽ gắn bó lâu dài nên tôi đã học liên thông lên đại học sư phạm mầm non và tốt nghiệp năm 2020” – cô Lâm cho biết. Tuy nhiên, vì là giáo viên hợp đồng, nên cô không được bổ nhiệm và tham gia thi xét thăng hạng như viên chức và hiện hưởng lương hệ trung cấp dù có 2 bằng đại học.

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Tiên Hoàng (32 tuổi, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành) cũng có hơn 10 năm gắn bó với nghề sư phạm với vị trí giáo viên hợp đồng. Trước đó, năm 2011, thầy Hoàng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, về quê xin vào công tác tại Trường THCS Thịnh Thành diện hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây thầy giáo trẻ lại được bố trí làm nhân viên thiết bị trường học chứ không phải dạy học như chuyên môn và ước mơ của mình. Vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn, thầy xin nghỉ việc.

Tiếp tục ôm hồ sơ gõ cửa khắp nơi, đến năm 2014, Trường THCS Tây Thành nhận thầy làm giáo viên dạy hợp đồng môn Toán của trường với mức lương 1 triệu đồng/tháng. “Lúc đó tôi nghĩ được đi dạy học là phấn khởi rồi. Mình cứ cố gắng nỗ lực rồi sẽ được ghi nhận”, thầy Hoàng kể.

Nhưng năm học này qua năm học khác, thầy vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng trường, với mức lương được nâng lên hơn 2 triệu đồng/tháng. Thầy cũng không có phụ cấp gì khác, nghỉ hè không có lương. Trong khi thầy sống cùng bố mẹ già 80 tuổi, bố của thầy là cựu tù binh Phú Quốc với mức thương tật 3/4.

Theo thầy Bùi Trọng Thường, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Thành, thầy Hoàng có năng lực chuyên môn vững vàng, tích cực trong đổi mới sáng tạo dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Thầy cũng là cốt cán bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng học sinh mũi nhọn môn Toán.

Qua rà soát của Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành, trên địa bàn còn khoảng 400 giáo viên hợp đồng. Đây cũng là địa phương còn nhiều giáo viên hợp đồng nhất tỉnh Nghệ An, trong đó người thâm niên nhất đã dạy hợp đồng suốt 20 năm, với mức lương vẻn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nhà trường đã tiết kiệm hết sức, trích từ nguồn chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục được cấp để trả lương cho giáo viên hợp đồng và không thể chi nhiều hơn. “Chúng tôi nhiều lần đề xuất cấp trên tuyển dụng nhưng chưa có chỉ tiêu. Ban giám hiệu và cả phụ huynh, học sinh đều mong muốn thầy được vào biên chế và tiếp tục bố trí giảng dạy tại trường”, thầy Thường nói thêm.

Về phần thầy Hoàng, để trang trải cuộc sống và “nuôi nghề”, thầy vừa đi dạy ở trường vừa tranh thủ làm gia sư kiếm thêm thu nhập. Đồng thời tranh thủ học nâng cao chuyên môn. Mới đây, thầy vừa bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Nhưng với mức lương hợp đồng, mặc cảm công việc chưa ổn định, thầy chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. “Có thời điểm tôi muốn nghỉ để đi xuất khẩu lao động, nhưng còn gia đình, học sinh và ước mơ của mình nên lại cứ tiếp tục chờ đợi…”, thầy Hoàng ngậm ngùi.

Trường Mầm non thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) có 9/20 giáo viên là lao động hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09.

Lòng vòng tuyển dụng

Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục cho huyện Yên Thành với 392 chỉ tiêu, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa tuyển được người nào. Trong số này có 238 người là giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 – 09. Mới đây UBND huyện Yên Thành ra thông báo tuyển dụng 238 người, gồm 2 nhóm là giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 – 09 và giáo viên hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện có đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015.

Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đặc thù của huyện Yên Thành là trong số hơn 200 giáo viên mầm non hợp đồng 06 – 09 có nhiều người từ THCS xuống.

Vì vậy, khi có kế hoạch tuyển dụng, nhà giáo đều nguyện vọng được trở lại dạy cấp THCS. Song biên chế được phân bổ không có vị trí giáo viên THCS vì cấp học này đang thừa giáo viên. Trong quá trình triển khai, huyện đã gặp gỡ, tuyên truyền để giáo viên hiểu rõ chủ trương. Hiện việc tiếp nhận hồ sơ đã hoàn thành và dự kiến tuyển dụng trước ngày 30/8.

Thành phố Vinh cũng ra thông báo tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo kế hoạch từ ngày 25 – 27/8, thành phố sẽ xét tuyển hồ sơ và từ ngày 29 – 31/8 tiến hành phỏng vấn. Nội dung ôn tập được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của thành phố, gồm kiểm tra kiến thức và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp để giáo viên ôn tập. Dự kiến giữa tháng 9 sẽ có quyết định tuyển dụng vào biên chế theo đúng các quy định.

Tại huyện Tân Kỳ, ông Bùi Đức Hồng, Trưởng phòng Nội vụ huyện trao đổi, nếu đẩy nhanh tiến độ phải đến đầu tháng 9 mới có quyết định tuyển dụng. Trong thời gian qua, một số giáo viên mầm non hợp đồng diện 06 – 09 đã nghỉ việc và hiện Tân Kỳ chỉ còn 61 trường hợp. Theo ông Hồng, quá trình tuyển dụng gồm 2 vòng: Hồ sơ và vấn đáp. Vòng vấn đáp có 4 giám khảo đánh giá độc lập, trong đó gồm 2 giám khảo về chuyên môn và 2 giám khảo quản lý Nhà nước. Các giám khảo chấm điểm độc lập rồi cộng lại với nhau.

Câu chuyện tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm cũng “nóng” trên các diễn đàn tại Phú Thọ thời gian qua. Gần 900 nhà giáo bày tỏ sự bức xúc trước việc UBND tỉnh này quyết định tuyển dụng nhưng không theo diện đặc cách với nhà giáo đã đóng bảo hiểm trước năm 2015.

Sau nhiều kiến nghị, phản ánh của giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm cũng như sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, tỉnh Phú Thọ đã có quyết định “hợp lòng dân” khi đồng ý chủ trương cho tuyển dụng đặc cách giáoviên mầm non.

Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu chỉ đạo: Xem xét tuyển dụng đặc cách thông qua xét hồ sơ và các tiêu chí về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức, ưu tiên người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… phù hợp với quy định của Trung ương.

Chủ trương là tuyển dụng đặc cách toàn bộ 816 chỉ tiêu đối với giáo viên mầm non hợp đồng thuộc đối tượng nêu tại Văn bản 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ. Đối với 80 giáo viên còn lại trong tổng số 896 giáo viên thuộc diện được xem xét tuyển dụng đặc cách sẽ thực hiện sau khi xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Báo cáo tại Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An hồi tháng đầu 7, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho rằng, nguyên nhân việc tuyển dụng chậm là do xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên của vài huyện không đúng tiến độ; thời gian cho ý kiến về kế hoạch tuyển dụng giáo viên của một số Ban chỉ đạo quản lý bộ máy và biên chế cấp huyện dài… Đồng thời, ông Hưng đề nghị lãnh đạo các huyện cần chỉ đạo phòng, ban chuyên môn thực hiện nghiêm túc các quyết định, yêu cầu của lãnh đạo tỉnh về tuyển dụng giáo viên. Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo UBND cấp huyện hoàn thành tuyển dụng giáo viên trước ngày 30/8/2023 để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2023 – 2024.

Theo Hồ Lài

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/tuyen-dung-giao-vien-thay-co-can-cap-tren-dung-dinh-post650255.html