“Đau đầu” với ngôn ngữ tuổi mới lớn
Thứ ngôn ngữ này không góp phần làm cho tiếng Việt phong phú và quý giá hơn, nó đơn thuần chỉ làm nhiều hơn cho cách biểu đạt mà thôi”.
Gọi nhau là mày tao, gọi giáo viên là bà ấy, lão ấy, mụ ấy… Rồi chát với nhau bằng thứ ngôn ngữ, ký tự mà người lớn thấy khó hiểu… là những gì nhiều em ở lứa tuổi học trò đang khiến người lớn lo ngại.
Có thể hiện được cá tính?
Là người rất hay dùng ngôn ngữ tuổi mới lớn (tuổi teen), Phương Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Không chỉ tuổi teen có loại ngôn ngữ riêng mà mỗi nhóm lại có ngôn ngữ trao đổi riêng mà chỉ người trong nhóm mới hiểu được. Khi có chung điểm gì đó, chúng em cảm thấy gần gũi với nhau hơn, và đó cũng là cách giải tỏa stress trong cuộc sống, thậm chí để bố mẹ có đọc trộm tin nhắn cũng không hiểu chúng em nói gì. Thế nhưng, người lớn cứ thích can thiệp và bắt bẻ nọ kia. Có hôm em dẫn bạn về nhà. Khi nghe chúng em gọi nhau là mày tao, mẹ em đã góp ý là không nên xưng hô như vậy mà nên chuyển thành cậu, tớ hay bạn, tôi. Mẹ không biết rằng cách xưng hô này sẽ khiến chúng em cảm thấy xa cách. Phải thân nhau lắm chúng em với gọi nhau là mày tao, còn cậu tớ chỉ dùng để gọi nhau khi cãi lộn hoặc có khúc mắc gì đó. Còn gọi thầy cô là bà ấy, mụ ấy là cách để chúng em giải tỏa ức chế khi thầy cô làm điều gì đó bất công với mình, và chúng em cũng chỉ nói với nhau chứ đâu dám nói trước mặt thầy cô. Em thấy người lớn lúc nào cũng thích nói câu cửa miệng phải làm như thế này, không được làm thế khác mà không chịu hiểu cho “thế giới” của bọn em”.
Ở lứa tuổi mới lớn các em thường không thích cách quy chụp theo mô-tuýp ứng xử của người lớn. Người lớn càng hướng các em ứng xử theo chuẩn mực chung thì các em càng có xu hướng thoát ra và cách giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng giống như một cách mà các bạn muốn khẳng định, “chúng tôi có thế giới riêng của mình”. Thế nhưng nếu các em lạm dụng nó sẽ thành thói quen đôi khi gây hại cho chính mình.Chị Vân Anh (Cầu Gấy, Hà Nội) chia sẻ: “Cơ quan tôi có cô bé sinh viên vào thực tập. Khi cô bé nhắn tin xin nghỉ, tôi vừa đọc vừa phải luận mãi mới hiểu được bởi những chữ viết tắt rồi cả những ký tự. Đọc tin tôi rất khó chịu và cảm thấy mình không được tôn trọng. Tôi biết cô bé không cố ý làm cho tôi bực mình, chỉ do sử dụng quá nhiều ngôn ngữ lứa tuổi của mình đã hình thành thói quen khó bỏ và đem áp dụng trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng. Dù vậy, tôi vẫn thấy mất thiện cảm với cô bé đó”.
“Tiếng lóng, ngôn ngữ “chat”, ngôn ngữ @ tuổi teen không góp phần làm giàu vốn tiếng Việt bởi thứ ngôn ngữ này cụt lủn, thiếu vắng sự chuẩn mực về ngữ pháp, đôi khi lại tối nghĩa, gây phản cảm trong giao tiếp. Thứ ngôn ngữ này không góp phần làm cho tiếng Việt phong phú và quý giá hơn, nó đơn thuần chỉ làm nhiều hơn cho cách biểu đạt mà thôi” – Chuyên gia tâm lý Đỗ Thanh Hà |
Không nên lạm dụng
Chuyên gia tâm lý Đỗ Thanh Hà, Trung tâm Kỹ năng sống và Ứng dụng thiền Vipasana nhận xét, ngôn ngữ tuổi teen thể hiện tâm lý lứa tuổi của các em, đó là lứa tuổi mới lớn muốn khẳng định mình, muốn sự sáng tạo, độc lạ, thể hiện cái tinh nghịch hay để gây ấn tượng. Thế nhưng nếu các em sử dụng thứ ngôn ngữ ấy một cách thường xuyên, thiếu kiểm soát sẽ ảnh hưởng không tốt tới khả năng giao tiếp với cộng đồng. Các em sử dụng ngôn ngữ lứa tuổi mình một cách rất hồn nhiên mà chưa lường hết được nguy cơ tiềm ẩn. Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần chỉ để giao tiếp mà nó còn thể hiện phẩm chất đạo đức, trình độ, phong cách và lối sống… Nếu các em cứ chơi đùa với ngôn ngữ một cách phóng túng và tự do, các em sẽ vẽ lên hình ảnh mình có sự sai lệch khiến người khác thiếu thiện cảm.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ, ở lứa tuổi học sinh, các bạn thường chơi theo nhóm và nhóm chơi ấy khá quan trọng cho sự trưởng thành của các bạn ấy. Việc các bạn sử dụng ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau tạo ra sự kết nối, làm cho các bạn ấy hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn, các bạn không nên lạm dụng. Chúng ta hãy dạy các bạn ấy kỹ năng giải quyết bức xúc trong cuộc sống bằng những cách lành mạnh, chứ không phải tức ai là tùy tiện xả ra thứ ngôn ngữ làm tổn thương người khác.
“Trong quá trình trưởng thành, các con có thể mắc lỗi, bố mẹ nên có sự bao dung và chia sẻ nhiều hơn, có như vậy thì các con mới lắng nghe những chỉ dẫn của chúng ta. Nếu thấy các con nói không đúng chuẩn mực, bố mẹ yêu cầu các con phải dừng lại, chuyển sang cách nói tích cực hơn. Đừng để cho các con quá lạm dụng ngôn ngữ lứa tuổi mình trong một thời gian dài trở thành thói quen xấu, sau này chỉnh lại rất khó khăn” – chị Hà khuyên.
VOV.VN