Án mạng trên phố Hà Nội: Gia đình nạn nhân nghi ngờ bệnh án tâm thần

0

Chú nạn nhân đưa ra quan điểm nghi ngờ việc Chiến bị tâm thần và nhận định hành vi gây án của đối tượng đã được lên kế hoạch.

Liên quan đến vụ án mạng nghiêm trọng tại phố Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra quan điểm cơ quan điều tra cần làm rõ tình tiết nghi phạm Hoàng Ngọc Chiến (37 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) có bệnh án tâm thần.

Theo ông Cường, việc gia đình Chiến cung cấp thông tin nghi phạm có tiền sự bệnh lý về tâm thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bản án và cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể loại trừ khả năng trường hợp bệnh án giả hoặc không chính xác.

Hình phạt nào cho kẻ thủ ác?

Phân tích về góc pháp lý, luật sư cho biết căn cứ để xác định đối tượng gây án có tâm thần hay không sẽ dựa vào hồ sơ bệnh án, đồng thời, cơ quan chuyên môn cũng có thể trưng cầu giám định năng lực hành vi của Chiến khi thực hiện hành vi phạm tội.

“Theo quy định của pháp luật, người mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi giết người, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp đối tượng chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét giảm nhẹ khi lượng hình”, luật sư Đặng Xuân Cường giải thích.

Chiến tại trụ sở cơ quan công an. (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo ông Cường, trong trường hợp nghi phạm được xác định mắc bệnh tâm thần hoặc mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi giết người, đối tượng sẽ được đưa vào cơ sở điều trị y khoa bắt buộc để chữa trị chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã làm.

Còn ở trường hợp còn lại, đối tượng không bị mất năng lực làm chủ hành vi, có khả năng nhận thức mà vẫn giết người, thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án trên, nếu Hoàng Ngọc Chiến bị xử lý về tội “Giết người”, luật sư cho biết đối tượng sẽ có thể phải đối mặt với khung hình phạt 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

“Chiến có thể bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là gây án vì động cơ đê hèn”, ông Cường phân tích. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định Chiến bị bệnh tâm thần nhưng khi gây án không mất hẳn khả năng làm chủ hành vi, thì đối tượng sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” theo Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Gia đình nạn nhân lên tiếng

Chia sẻ về vụ việc, ông Đ.H.A. (chú của nạn nhân H.T.H.) cho biết khoảng năm 2012, Chiến sống tại ngõ 29 Thụy Khuê và là hàng xóm của ông.

Trong thời gian này, Chiến từng một lần mâu thuẫn với ông A. và dùng dao chém chú nạn nhân gây thương tích. Sự việc sau đó được 2 bên tự hòa giải, không trình báo cơ quan chức năng.

Đến năm 2015, theo gia đình nạn nhân, Chiến một lần nữa tìm đến nơi làm việc của chú ông A. để hành hung người này. Tuy nhiên, gia đình ông A. tiếp tục bỏ qua vì “nghĩa tình hàng xóm”.

Khoảng 6 năm sau, gia đình Chiến chuyển đến phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, để sinh sống. Gia đình ông A. cũng không còn suy nghĩ gì về mâu thuẫn với đối tượng.

Hiện trường vụ án mạng. (Ảnh: Hải Nam).

“Chiều tối 11/7/2022, Chiến lại xuất hiện tại phố Thụy Khuê, dùng hung khí truy sát cậu của tôi. Sự việc khiến cậu tôi bị thương tích. Lúc đó, cậu và bà ngoại tôi đang đi làm căn cước công dân”, ông A. kể.

Khoảng 3 tháng trước khi vụ án tại số 406 Hoàng Hoa Thám xảy ra, gia đình nạn nhân cho biết Chiến từng tìm đến nhà bà H. để gây rối, đập phá tài sản và có hành vi ném đá vào cửa hàng thuốc thuê lại nhà của bà H. để kinh doanh.

Gia đình nạn nhân cho rằng việc Chiến sát hại bà H. là có chủ đích, xuất phát từ những mâu thuẫn trong quá khứ. Ông A. đưa ra quan điểm nghi ngờ việc Chiến bị tâm thần và nhận định hành vi gây án của đối tượng đã được lên kế hoạch.

Theo Hải Nam

Nguồn https://dantri.com.vn/phap-luat/an-mang-tren-pho-ha-noi-gia-dinh-nan-nhan-nghi-ngo-benh-an-tam-than-20221205084337041.htm