Doanh nghiệp dịch vụ ăn uống chưa dứt mạch trả mặt bằng
Quý I, thành phố có 25% diện tích mặt bằng bán lẻ bị trả thuộc ngành hàng ăn uống, trong đó F&B nội địa chiếm hơn một nửa.
Báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết trong quý I, TP HCM ghi nhận mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ, có 43% diện tích là của ngành hàng thời trang và 25% là ngành hàng ăn uống (F&B). Trong đó, các thương hiệu F&B nội địa bị ảnh hưởng mạnh và chiếm 58% diện tích mặt bằng ăn uống bị trả.
Savills cho hay mặc dù nhiều mặt bằng bị trả, các chủ nhà đã dừng những chính sách ưu đãi và không còn giảm giá mạnh như thời điểm khó khăn vì dịch bệnh. Thời gian thuê tối thiểu cũng được nâng lên và chính sách tăng giá thuê mặt bằng hằng năm lên tới 10%.
CBRE Việt Nam cũng cho hay trong quý I, các yêu cầu hỏi thuê mặt bằng bán lẻ tại thị trường TP HCM ghi nhận giảm đáng kể so với giai đoạn trước dịch, đặc biệt giảm mạnh ở ngành hàng dịch vụ ăn uống, thời trang.
Ghi nhận của VnExpress, cho thấy nhiều khu ẩm thực hút giới trẻ tại trung tâm TP HCM như quận 1, 10, Bình Thạnh vẫn còn lượng lớn mặt bằng bỏ trống (chủ yếu là nhà phố mặt tiền) chưa thể lấp đầy đến đầu quý II/2022. Trong đó, có nhiều mặt bằng từng được các đơn vị F&B thuê, hiện bỏ trống 1-2 năm chưa có động thái cải tạo lại.
Điển hình là tại quận 1, phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn có khá nhiều mặt bằng trống hơn một năm, giá chào thuê 14.000-15.000 USD một tháng. Gần phố Tây Bùi Viện, quận 1, trên trục đường Nguyễn Thái Học và Phạm Ngũ Lão, nhiều mặt bằng đôi (hai căn ghép lại) hoặc vị trí căn góc, vị trí vốn rất được các nhà kinh doanh F&B ưa chuộng, hiện cũng ế dài, có giá thuê 12.000-15.000 USD một tháng.
Diễn biến này cho thấy thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê chưa có nhiều biến chuyển trong quý đầu năm nay. Thậm chí, các mặt bằng bán lẻ ở ngoại thành, xa khu trung tâm vẫn chưa dứt xu hướng giảm giá thuê 10-20% so với năm trước do vị trí không thuận lợi bằng những mặt bằng tọa lạc tại quận 1.
Lý giải nguyên nhân, CBRE Việt Nam dẫn lại dữ liệu của Cục Thống kê TP HCM cho biết, ước tính quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Mức giảm tập trung ở nhóm ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, massage, du lịch, là các nhóm ngành mở cửa hoạt động trở lại theo lội trình, vì thế doanh thu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, sức mua chưa đạt như kỳ vọng.
Tuy nhiên, cả Savills và CBRE đều dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong những quý tiếp theo có thể sẽ tìm lại được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại. Điều này sẽ được kiểm chứng qua các kỳ nghỉ lễ dài, hoạt động của người dân đang dần trở lại nhịp độ bình thường như trước khi đại dịch bùng phát.
Vũ Lê