Nghệ An: Phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng

0

Với 82km bờ biển và diện tích vùng biển lên tới 761.000km2, cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ và một số bãi biển đẹp, Nghệ An có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển. Việc nâng tầm, đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn, tạo động lực để Nghệ An cất cánh là yêu cầu bức thiết.

Nhận diện thực tế

So với giai đoạn trước, phát triển kinh tế biển hiện nay có những điều kiện, bối cảnh riêng, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức. Rõ nhất là nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Nếu như giai đoạn 2014 – 2018, nghề đánh bắt xa bờ thực sự bùng nổ với đội tàu xa bờ được đóng mới liên tục, năng suất và giá cả đạt đỉnh thì từ năm 2019 đến nay, việc đánh bắt kém hiệu quả, nghề cá đang có dấu hiệu thoái trào.

Từ đội tàu đánh bắt trên 3.700 chiếc, trong đó gần 1.400 tàu đánh xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, đến nay tỉnh chỉ còn 1.161 chiếc và hàng năm không có tàu đóng mới. Nghề sửa chữa, đóng tàu trên địa bàn vì thế cũng rơi vào khó khăn. Hàng loạt các xưởng, cơ sở đóng tàu thuyền tại các xã: Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu), Làng nghề Trung Kiên (Nghi Lộc) buộc phải đóng cửa.

Các cơ sở đóng tàu Nghệ An đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong ảnh: Cơ sở đóng tàu của ông Trần Đình Ánh tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Do yêu cầu của quốc tế, nghề cá chịu nhiều ràng buộc khắt khe hơn. Cụ thể, sau khi Luật Thủy sản ra đời, các tàu cá đi đánh bắt phải có đầy đủ giấy phép hành nghề như thủ tục đăng kiểm, đăng ký danh sách thuyền viên để xuất trình khi tàu ra vào cảng; từng tàu cá khi đánh bắt phải ghi sản lượng từng khu vực, thời gian đánh bắt để truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2020, tàu cá có chiều dài trên 15m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS và duy trì kết nối 24/24h trong ngày khiến ngư dân thực sự gặp khó, bởi nếu phải đánh bắt trên vùng biển quy định thì không có cá còn đánh bắt sang vùng biển quốc tế, nếu không có giấy phép sẽ bị lực lượng chức năng nhắc nhở, thậm chí xử phạt rất nặng, tàu bị bắt…

Lực lượng kiểm ngư thuộc đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra, hướng dẫn về các thủ tục đi biển cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Hải

“Hạ tầng nghề cá tỉnh còn nhiều bất cập, bà con ngư dân đánh bắt khó khăn, khó chuyển đổi nghề khiến cơ quan quản lý gặp khó khi thực thi nhiệm vụ. Xử phạt không nghiêm thì ngư dân “nhờn luật” và bị phạt thẻ vàng, thị trường tẩy chay. Xử phạt nghiêm thì khó cho ngư dân vươn khơi bám biển, đi biển không hiệu quả sẽ phát sinh nhiều hệ lụy an sinh xã hội khác.” (Ông Trần Châu Thành – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Thủy sản Nghệ An chia sẻ)

Một mũi nhọn khác của kinh tế biển là phát triển dịch vụ vận tải biển. Nghệ An là tỉnh sớm có lợi thế về cảng biển trong khu vực với cảng quốc tế Cửa Lò được đầu tư đồng bộ.

Thế nhưng, đến nay, trong tương quan với Thanh Hóa, Hà Tĩnh, hệ thống cảng biển ở Nghệ An đang bị tụt hậu bởi cảng nước sâu Nghi Sơn và cảng Vũng Áng được đầu tư mới, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các loại tàu siêu trường, siêu trọng – điều mà cảng Cửa Lò và một số cảng khác ở Nghệ An chưa có được.

Thị xã Cửa Lò chỉnh trang hạ tầng đô thị biển vào đầu mùa Hè để đón mùa du lịch mới “hậu” đại dịch Covid -19 và phục hồi kinh tế. (Ảnh chụp tháng 4/2022)

Một mũi nhọn kinh tế biển khác là du lịch biển. Với những bãi biển đẹp, cảnh quan hoang sơ, các bãi biển như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, biển Quỳnh… luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách muôn phương. Thế nhưng, du lịch biển chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết: Mặc dù có khởi sắc nhưng du lịch biển Nghệ An vẫn còn một số hạn chế là thiếu điểm nhấn và tính liên kết trong tổ chức các sự kiện để giữ chân du khách còn kém; hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trú cũng hạn chế nên khi có sự kiện lớn thì các cơ sở du lịch thường cháy phòng và ngược lại bình thường thì ít khách.

Tàu đánh bắt xa bờ về neo đậu tại Khu vực cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Nghệ An cũng từng là một điểm sáng của miền Bắc về nuôi trồng thủy sản và phát triển tôm giống. Thế nhưng, đến nay, ngành này đang có dấu hiệu chững lại, khó bứt phá. Nguyên nhân chính là vì đầu tư hạ tầng không cơ bản và tính liên kết cộng đồng yếu kém nên sau một thời gian khai thác tự nhiên nuôi tự phát, môi trường nuôi suy thoái nên dịch bệnh triền miên, thua lỗ. Khu vực Quỳnh Lưu – Hoàng Mai có thời điểm phát triển đến 22 trại sản xuất tôm giống nhưng đến nay số cơ sở trụ lại chỉ còn trên đầu ngón tay…

Lựa chọn khâu đột phá, đầu tư có trọng điểm

Dự thảo Đề án phát triển kinh tế biển, giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Nghệ An đánh giá: Không gian và tiềm năng phát triển kinh tế biển tại các huyện, thành, thị ven biển còn khá lớn.

Theo Cục Thống kê Nghệ An, khu vực này, mặc dù diện tích tự nhiên không lớn nhưng dân số lên tới trên 1 triệu người, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh. Với quy mô dân số trên, theo thông lệ, tỷ lệ đóng góp vào GRDP hàng năm tối thiểu phải là 30% (mục tiêu Nghị quyết 36/NQ/TW năm 2018, vùng biển phải đóng góp tới 60-70% GRDP).

Thế nhưng, đến năm 2021, đóng góp vào GRDP của vùng (không bao gồm thành phố Vinh) mới đạt 26%. Tương tự, tốc độ tăng trưởng giá trị thêm của vùng ven biển chỉ là 5,95% so với bình quân chung cả tỉnh là 6,06%; bình quân thu nhập đầu người là 41,45 triệu đồng, bằng 0,96% so với bình quân chung cả tỉnh.

Phía Nam cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) được Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư gần 200 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng cảng. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ năm 2021, được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh được đầu tư gần 50 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung 200ha tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) và hiện đang đề xuất bổ sung 120 tỷ đồng đầu tư nâng cấp vùng nuôi tôm tập trung 192,7ha ở thị xã Hoàng Mai. Đồng thời, tiếp tục khảo sát các vùng nuôi khác để đầu tư nâng cấp. Song song với đó, tỉnh cũng quan tâm khuyến khích đẩy mạnh đầu tư để đưa Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất tảo xoắn…

Tại hội thảo về phát triển nghề nuôi trồng thủy sản phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, cùng với tiếp tục khẳng định nghề khai thác là thế mạnh của thủy sản Nghệ An, ông Lê Văn Hướng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khẳng định: Không giống các tỉnh, diện tích biển của Nghệ An khá mở nên khó nuôi lồng bè, diện tích đầm phá ven biển ít nên khả năng mở rộng diện tích nuôi rất khó. Vì vậy, để tạo ra giá trị lớn, đột phá về nuôi trồng thì phải đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu; gắn nuôi trồng với chế biến chuyên sâu để tăng năng suất và giá trị nuôi trồng…

Đối với du lịch biển, ngoài khu du lịch Bãi Lữ đã được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng Khu Resort biển đẳng cấp quốc tế, hiện nay, thị xã Cửa Lò cũng đã hoàn thành di dời 220 ki ốt ven biển để đầu tư, chỉnh trang theo hướng khang trang, hiện đại hơn.

Sắp tới, nếu hệ thống cáp treo từ Vinpearl Cửa Hội ra đảo Ngư đi vào hoạt động thì du lịch biển Nghệ An sẽ có thêm điểm nhấn thu hút khách. Bên cạnh đó, đại diện UBND huyện Diễn Châu còn cho biết: Thời gian tới, cùng với đầu tư nâng cấp hạ tầng nhà nghỉ, khách sạn ven biển, các sân tập thể thao như Golf, tenis hay khu nghỉ dưỡng sinh thái vùng đồng bằng sẽ được kết nối với các khu du lịch bãi biển để nâng chất lượng và chiều sâu dịch vụ du lịch biển Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An xác định, hệ thống hạ tầng cảng biển đang là điểm nghẽn, là một trong những “nút thắt” hạ tầng chiến lược của tỉnh. Trong khi đó, dư địa để phát triển cảng biển còn rất lớn, nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao. Các cảng biển trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt.

Hiện nay, cảng Cửa Lò đang khai thác với tàu 20.000 – 30.000 DWT giảm tải, sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới là 20-30 triệu tấn, nếu năng lực hạ tầng không đảm bảo được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đi qua các cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh) hay cảng Hải Phòng rất dễ xảy ra.

Tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, HĐND tỉnh đã quyết nghị, thông qua nghị quyết điều tiết 100% ngân sách cấp tỉnh thu từ tiền sử dụng đất 4 dự án với tổng số tiền khoảng 3.932 tỷ đồng để tạo nguồn vốn hỗ trợ thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Vinh và đầu tư xây dựng cầu dẫn nối QL7C với Cảng nước sâu Cửa Lò, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trước đó, vào ngày 1/12, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh cần tập trung tháo gỡ các “nút thắt” đã chỉ ra. Trong đó, phấn đấu đầu năm 2023 khởi công Cảng biển nước sâu Cửa Lò; đồng thời cần tiếp tục tháo gỡ các thủ tục để sớm cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Vinh…

Hy vọng rằng, với chiến lược có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên vào các lĩnh vực có thể tạo đột phá như phát triển dịch vụ vận tải, cảng biển, du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền, hậu cần nghề cá; về khai thác, nuôi trồng thủy sản, đầu tư chế biến hải sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ hải sản,… trong tương lai gần, kinh tế biển Nghệ An sẽ sớm bứt phá, xứng tầm với vị thế, tiềm năng.

Theo Nguyễn Hải

Nguồn https://baonghean.vn/nghe-an-phat-trien-kinh-te-bien-chua-xung-voi-tiem-nang-post262698.html