Canon, Nikon và Sony liên minh chống deepfake

0

Đối mặt với thách thức làm giả ảnh ngày càng tinh vi, đòi hỏi phát triển công nghệ chống deepfake, phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng. Các hãng máy ảnh lớn quyết định liên minh, hợp tác công nghệ cao để đưa công nghệ chữ ký số vào máy ảnh, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc bảo vệ tính xác thực của hình ảnh. 

Liên minh các hãng máy ảnh

Deepfake, từ ghép giữa “deep learning” và “fake”. Công nghệ này sử dụng mô hình máy học để tạo ra các hình ảnh giả mạo. Ban đầu, Deepfake được sử dụng để tạo ra các video giải trí như đổi mặt các diễn viên nổi tiếng vào vai diễn khác nhau, hoặc thay đổi giọng nói của những người nổi tiếng để tạo ra những video mang tính giải trí.

Với sự phát triển của AI, Deepfake cũng đem đến phiền phức khá nhức nhối đi kèm cùng những hậu quả đáng lo ngại. Điều này đã tạo nên những tình huống gây rối nghiêm trọng trong xã hội, khi những hình ảnh giả mạo của những nhân vật nổi tiếng lan truyền nhanh trên mạng xã hội.

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều ảnh giả mạo về những người nổi tiếng, như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong năm 2023, nhu cầu về công nghệ xác thực trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Các hãng máy ảnh hi vọng công nghệ mới này sẽ giúp khôi phục niềm tin của cộng đồng.

Hình ảnh cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bị giả mạo
Một video deepfake giả mạo cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phát biểu

Trong bối cảnh công nghệ deepfake bị lạm dụng, Nikon, Sony và Canon đã đưa ra động thái thiết thực. Các hãng đã nghiên cứu tích hợp công nghệ chữ ký số vào dòng sản phẩm máy ảnh của mình. Công nghệ này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc ngăn chặn ảnh giả mạo mà còn là một sự cam kết vững vàng để bảo vệ tính xác thực và nguồn gốc của mỗi bức ảnh.

Công nghệ chống deepfake

Theo thông tin từ Nikkei Assia, chữ ký số này sẽ được tích hợp vào các máy ảnh SLR không gương lật chuyên nghiệp của Nikon, Sony và Canon. Đồng thời, ba nhà sản xuất này cũng đồng lòng hỗ trợ một tiêu chuẩn toàn cầu về chữ ký số, giúp chúng tương thích với công cụ xác thực hình ảnh trực tuyến. Công nghệ chống deepfake này có tên là Verify.

Verify được phát triển bởi một liên minh các tổ chức tin tức, công ty công nghệ và nhà sản xuất máy ảnh toàn cầu. Đây là một công cụ trực tuyến miễn phí cho phép người dùng kiểm tra thông tin xác thực của một bức ảnh. Nếu bức ảnh được chứng nhận bởi chữ ký số, Verify sẽ hiển thị thông tin chi tiết; ngược lại, nếu ảnh là sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo, nó sẽ được đánh dấu là “Không có thông tin xác thực nội dung”.

Dự kiến công nghệ mới này sẽ được triển khai vào năm 2024. Đối với Sony, công nghệ chống deepfake dự kiến sẽ cho ra mắt vào mùa xuân này. Còn với Canon, nhà sản xuất cho biết sẽ phát hành theo sau vào cuối năm nay. Ngoài ra, cả hai đều đang xem xét việc tích hợp tính năng chữ ký số vào video. Canon còn hứa hẹn sẽ tung ra một ứng dụng quản lý hình ảnh để người dùng có thể dễ dàng kiểm tra xem liệu hình ảnh đó có phải là do họ chụp hay không.