Khu tái định cư… 10 năm không bóng người?

368

Hơn 10 năm trước, nhận thấy sự nguy hiểm của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng ngập lụt ở ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tiến hành khảo sát, đồng thời quyết định xây dựng 2 khu tái định cư (TĐC) để di dời người dân đến nơi ở mới. Vậy nhưng, đến nay sau hơn 10 năm, những khu TĐC này vẫn là bãi đất trống.

Mảnh đất bà Văn Thị Quý bị ngập sâu khoảng 2m mỗi lần hồ Vực Mấu xả lũ.

Gần 10ha đất bỏ hoang

Vào năm 2010, hàng chục hộ dân ven hồ Vực Mấu và ven sông Mai Giang tại 2 xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Trang đứng trước nguy cơ ngập lụt. UBND huyện Quỳnh Lưu đã quyết định dựng 2 khu TĐC này để di dời người dân lên khu vực cao hơn. Theo số liệu khảo sát, cả 2 xã có tổng hơn 110 hộ cần phải di dời. Tổng diện tích TĐC gần 10ha chia đều tại 2 xã.

Cụ thể, sau hơn 2 năm xây dựng, khu TĐC khá khang trang rộng hơn 5ha tại xã Quỳnh Thắng hoàn thành hạ tầng gồm đường, mương thoát nước, điện, nhà văn hóa cộng đồng. Theo mục tiêu của dự án, khu TĐC này sẽ bố trí cho hơn 45 hộ dân ở xã Quỳnh Thắng đang sống trong vùng bị ngập nước ven hồ thủy lợi Vực Mấu, mỗi hộ dân được bố trí 600m2 đất ở và 20 triệu đồng hỗ trợ di dời. Thế nhưng, đến nay khu TĐC này vẫn bỏ hoang, chưa có hộ dân nào đến sinh sống. Bãi đất rộng hơn 5ha đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm hạ tầng trở thành nơi chăn bò, tập kết và phơi ván gỗ của một chủ cơ sở chế biến gỗ tràm ở gần đó. Nhà văn hóa cộng đồng xây xong bỏ hoang đã xuống cấp.

Cách đó không xa là khu TĐC xóm 5, xã Quỳnh Trang (nay thuộc thị xã Hoàng Mai) với diện tích rộng hơn 4ha cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Mục tiêu của dự án này là bố trí TĐC cho 66 hộ dân sống ở vùng ven sông, thường bị ngập lụt do hồ Vực Mấu xả lũ. Theo đó, mỗi hộ dân được bố trí từ 300 – 400m2 đất để làm nhà, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10-15 triệu đồng để di dời nhà đến nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay cả khu đất hiện vẫn chưa có một hộ dân nào di dời lên để “định cư”, hơn 10 năm nay chỉ làm nơi chăn thả trâu bò, các hạng mục như nhà văn hóa, điện, nước sạch tại khu TĐC này vẫn không được xây dựng.

Đâu là nguyên nhân

Tìm hiểu được biết, vào thời điểm năm 2010, việc xây dựng 2 khu TĐC tại xã Quỳnh Trang và Quỳnh Thắng được khảo sát, tham vấn ý kiến cộng đồng, người dân đã nhất trí di dời. Tuy nhiên, sau khi các khu TĐC cơ bản hoàn thành, thì người dân đồng loạt “rút đơn”, bám trụ nơi ở cũ.

Quá trình tìm hiểu, được biết nguyên nhân chính là việc diện tích đất được bố trí tại khu TĐC ít hơn nơi đang ở, số tiền hỗ trợ di dời thấp, đất tại khu TĐC cằn cỗi và chưa có nước sạch.

Gia đình bà Văn Thị Quý (60 tuổi) xóm 5, xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) thuộc diện di dời đến khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay vợ chồng bà vẫn bám trụ tại nơi ở cũ cùng nhiều hộ dân khác. Bởi theo bà Quý, việc gia đình bà không di dời là đất nơi ở mới chưa bằng 1/5 diện tích đất mà gia đình bà đã ở gần 40 năm nay. “Không chỉ đất ở ít, cằn cỗi mà ngay cả số tiền di dời đến vị trí TĐC cũng chỉ 10 triệu đồng. Biết là nguy hiểm khi lũ về, nhưng đến khu TĐC chúng tôi lại phải bỏ ra hàng tỷ đồng làm nhà, đất canh tác thì ít, đến đó chúng tôi làm gì để sống” – bà Quý lý giải.

Đó cũng là suy nghĩ của ông Hồ Khắc Kiên trú xóm 5, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu), dù thuộc diện di dời đến khu TĐC do nơi gia đình ông sinh sống hàng năm bị ngập lụt. Nhưng đến nay, gia đình ông Kiên vẫn ở lại nơi cũ. Theo ông Kiên, trước đó ông có làm đơn xin di dời nhưng do diện tích đất ở khu TĐC được bố trí nhỏ (600m2), trong khi khu đất gia đình đang sinh sống hơn 2.000m2 nên ông không di dời. Và đến nay, hàng trăm hộ dân cùng với nguyên nhân tương tự, nên chưa một hộ dân nào di dời đến nơi ở mới.

Ông Lê Đăng Thăng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết: Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vận động người dân di dời về khu TĐC nhưng họ không đồng ý cũng bởi các lý do đất ít, khó canh tác, hỗ trợ di dời thấp, một số hạng mục chưa hoàn thành. “Hiện chúng tôi kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc đấu giá đất ở tại khu TĐC này, nhưng không được chấp nhận vì trái quy định” – ông Thăng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Dự án di dời dân ngập lụt tại 2 xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang là chủ trương đúng, phù hợp với thực tế thời điểm đó. Đến nay, do nhiều nguyên nhân nên dân không chuyển đến sinh sống. “Để tránh lãng phí quỹ đất, hiện huyện Quỳnh Lưu đang trình tỉnh, xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng để đấu giá. Số tiền thu về nộp vào ngân sách, trả lại cho dự án” – ông Dinh cho biết thêm.

Theo Daidoanket.vn