Nghệ An: Hàng lậu có dấu hiệu “nở rộ” dịp cuối năm?

443

Cứ vào mỗi dịp cuối năm, câu chuyện hàng lậu, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường lại là đề tài “nóng”, được dư luận đưa ra bàn luận…

Qua tìm hiểu của chúng tôi, vào những tháng cuối năm là khoảng thời gian hoạt động vận chuyển, mua bán hàng lậu, thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ gia tăng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng liên quan bởi không chỉ đơn giản là ảnh hưởng đến quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn đem lại mối nguy hại về sức khỏe, an toàn tính mạng của người tiêu dùng.

Hàng lậu, hàng giả trà trộn vào thị trường

Đánh vào nhu cầu tiêu dùng của người dân và vì lòng tham bởi lợi nhuận mang lại, nhiều đối tượng, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã sẵn sàng bỏ qua các quy định của pháp luật để kinh doanh mua bán, vận chuyển hàng lậu, hàng kém chất lượng; trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là các loại hàng hóa thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Dẫn chứng là thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc đã bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phanh phui, xử lý nghiêm. Theo số liệu của Cục Thống kê Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã đấu tranh, phát hiện 1.426 vụ phạm pháp kinh tế, tăng 183 vụ (14,72%) so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có nhiều vụ liên quan đến sản phẩm bánh kẹo, hàng hóa thực phẩm đông lạnh các loại…

Nổi cộm như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu – Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm tra chiếc ô tô khách mang BKS 72F-000.67 do ông Nguyễn Văn Hoài (trú tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) điều khiển.

Sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng tỉnh Nghệ An đã góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn

Qua đó, phát hiện trên xe đang vận chuyển 200kg xúc xích đông lạnh, bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa nói trên. Do vậy, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hoài và buộc tiêu hủy toàn bộ 200kg xúc xích trên. Tổng giá trị thu phạt là 30 triệu đồng.

Hay như trước đó, vào ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm tra 2 hộ kinh doanh ở đường Lý Tự Trọng, TP Vinh và phát hiện hơn 400 hộp bánh dẻo hoa quả, bánh hạt dẻ nước và gần 1.000 bánh bột ngọt không có nguồn gốc xuất xứ. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính với tổng số tiền là 35 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số hàng lậu nói trên.

Hậu quả khôn lường

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, điểm chung của các vụ việc vi phạm đa phần là những lô hàng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nếu chỉ nhìn nhận, quan sát bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện đó là mặt hàng thực phẩm “bẩn”, không có xuất xứ rõ ràng. Các đối tượng chủ yếu là vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa, ngụy trang, cất giấu tinh vi cùng với hàng hóa khác trong thùng xe, hầm xe tự chế nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Những tháng cận kề Tết là khoảng thời gian mà hoạt động mua bán, vận chuyển hàng lậu, thực phẩm “bẩn” manh nha “nở rộ” trên thị trường khi mà nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Đặc biệt, trong thời đại 4.0 hiện nay, các loại hàng lậu, hàng kém chất lượng gắn mác “hàng hiệu, xách tay, sale giá rẻ” được rao bán chủ yếu trên sàn giao dịch điện tử và trang mạng xã hội. Mô hình kinh doanh kiểu này đã khiến cho lực lượng chức năng tỉnh rất vất vả trong việc tiếp cận, phát hiện và xử lý vi phạm.

Trong khi đó, tại Nghệ An có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng luôn mang tâm lý “hám rẻ”, chưa định hình rõ đâu là hàng giả, đâu là hàng thật nên dễ bị các đối tượng trục lợi.

Thực phẩm bẩn, nhập lậu đang là mối nguy hiểm đe dọa đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết

Do vậy, nhằm ngăn chặn hiệu quả vấn nạn trên, các lực lượng chức năng liên quan tỉnh Nghệ An phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bởi lẽ, nếu như để thực phẩm “bẩn” tuồn ra được thị trường tiêu thụ sẽ gây ra mối nguy hại lớn đến an toàn sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp kinh doanh làm ăn chân chính trên địa bàn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thực trạng người dân mắc bệnh ung thư xảy ra phổ biến và hầu hết có liên quan ít nhiều đến vấn nạn thực phẩm bẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Trong một diễn biến khác, qua ghi nhận số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 1.066 vụ với hơn 1.200 người bị ngộ độc thức ăn. Còn chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua thì có 74 vụ, 85 người bị ngộ độc thức ăn; xảy ra nhiều ở các địa phương như: Quế Phong 12 vụ, 12 người; Thanh Chương 11 vụ, 11 người; Hưng Nguyên 12 vụ, 12 người… và nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc được chỉ ra, chủ yếu là do thời tiết nắng nóng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm độc.

Những con số nói trên đã cho thấy việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa rất đặc biệt, quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, người tiêu dùng Nghệ An cần phải đề cao tính cảnh giác, nhận thức rõ và luôn nói không với hàng hóa nhập lậu, thực phẩm giá rẻ, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Theo Hồng Quang

Nguồn https://diendandoanhnghiep.vn/nghe-an-hang-lau-co-dau-hieu-no-ro-dip-cuoi-nam-254745.html