Vấn nạn nghệ sĩ miệt thị ngoại hình đồng nghiệp trên sóng truyền hình

382

Trên sóng truyền hình bây giờ (nhất là ở các game show giải trí) thì câu chuyện “hài hước kém duyên” đã và đang nở rộ đến mức như thành một vấn nạn. Mà đã là vấn nạn cần phải được chấn chỉnh.

Người Nhật có cả những quyển sách nói về vấn đề hài hước. Trong đó có những mục nhấn mạnh việc “hài hước có duyên”, tức là phải đúng nơi, đúng thời điểm, đúng chừng mực. Qua đó mới thấy để hài hước có duyên là cả một nghệ thuật. Tiếc thay trên sóng truyền hình bây giờ (nhất là ở các game show giải trí) thì câu chuyện “hài hước kém duyên” đã và đang nở rộ đến mức như thành một vấn nạn. Mà đã là vấn nạn cần phải được chấn chỉnh.

Tuy nhiên mọi thứ không phải bắt đầu nó đã như vậy. Ngược thời gian khoảng hơn 20 năm về trước khi khán giả quá quen với những danh hài như Bảo Quốc, Văn Chung, Thanh Nam… Phải công nhận một điều rằng thời ấy cái hài sao mà chất phác, gần gũi mà vui đến vậy. Chẳng cần những bài nhạc chế có phần xàm xí hay các câu tấu hài có phần “nhạy cảm, dung tục” nhưng tiếng cười ngày ấy vẫn rất đầy đặn, tươi vui.

Khi làn sóng hải ngoại bắt đầu xuất hiện thì tiếng cười đã mất đi cái nét chân quê mộc mạc ngày nào. Không phủ nhận những mới mẻ mà Vân Sơn, Bảo Liêm… mang đến. Nhưng ở một chiều hướng khác, những nghệ sĩ trẻ hay một bộ phận người xem (cũng trẻ) đã bị điều chỉnh thị hiếu sang một hướng mới. Người hoài cổ cho đó là lệch lạc còn những ai ủng hộ thì cho là cách tân. Nhưng rõ ràng chẳng thể khen hoàn toàn kiểu chọc cười khán giả bằng sự pha trộn dung tục, nhạy cảm, xàm xí.

Và như một điều tất yếu, sự phát triển như vũ bão của internet cũng như truyền hình đã khiến cho câu chuyện này dần đi đến mất kiểm soát. Từ các vở hài kịch đến game show truyền hình, từ các MC đến diễn viên hài, họ thi nhau chọc cười khán giả, chọc cười bạn diễn bằng vô vàn lời nói đụng chạm đến vấn đề tế nhị hay không ngại ngần mang những khuyết điểm về ngoại hình của đối phương ra làm đề tài mua vui. Nhưng khi ấy, chuyện vui liệu có còn vui hay không? Bởi không hẳn câu chuyện theo gió bay đi, những “nạn nhân” bị bêu tên làm trò đùa liệu có cảm thấy không bị xúc phạm hoặc một chút mặc cảm nào đó?

Chấn chỉnh lại là điều bắt buộc bởi ai cũng hiểu rõ tác động của truyền hình, của internet là lớn như thế nào nhất là đến sự hình thành thế giới quan cũng như nhân cách của những người trẻ. Thử hỏi nếu ngày này qua ngày khác, khi những đứa trẻ mà sự nhận thức đang bắt đầu hình thành và trong quá trình học hỏi, chúng mở ti vi hay điện thoại lên đều thấy tràn lan những chương trình, những video mà ở đó các ngôi sao, các thần tượng (và quan trọng đó là người lớn) vẫn thi nhau nói những lời lẽ kém duyên qua kiểu chọc cười bất chấp bảo chúng không bắt chước cũng không được.

Rõ ràng chúng chưa thể phân biệt đâu là đùa đâu là thật và có thể hồn nhiên mang những điều được thấy ra áp dụng trong giao tiếp hàng ngày. Đấy là mối nguy thật sự. Cho nên ngay từ bản thân người xem cần nghiêm khắc với vấn đề này. Chúng ta có quyền chọn lựa những chương trình bổ ích. Bên cạnh đó hãy lên tiếng khi bắt gặp những nội dung kém duyên như vậy và tuyệt đối có trách nhiệm với nút like, share của mình. Có như vậy những người làm ra nội dung ấy sẽ nhận được sự phản hồi tích cực để xem lại mình.

Còn các MC, nghệ sĩ hãy luôn ghi nhớ tôn trọng nghề nghiệp và tôn trọng khán giả. Vì đó cũng là cách tôn trọng bản thân mình. Dẫu biết biết làm nghệ thuật, nhất là trong game show cần lắm những “chiêu trò” để làm mới và mang lại tiếng cười. Nhưng tiếng cười đó có được tự nhiên, thoải mái hay không mới là điều đáng nói. Một chương trình dẫu có vài chục phút nhưng nhiều chương trình trong nhiều ngày sẽ trở thành một chuỗi có tác động không nhỏ đến người xem. Các nghệ sĩ cần có cái tâm để hiểu rằng mình có thể mang đến tác động tốt hoặc không tốt cho nhiều người để tiếng cười mang lại không chỉ vui mà còn văn minh nữa.

Người Việt Nam có câu “đùa không vui” để chỉ kiểu hài hước kém duyên (thậm chí là vô duyên) của ai đó. Vậy thì một khi cái sự “vô duyên” đó xuất hiện trên sóng truyền hình có hàng triệu người xem thì cần lắm những phê bình nghiêm khắc, ngay và luôn. Đó cũng là những bước “lọc” dần để văn hóa xem ngày một sạch hơn.

Theo Hoàng Thông

https://vietnamnet.vn/dung-ngay-nhung-tro-dua-kem-duyen-tren-truyen-hinh-2074142.html