Chứng thư giám mục Bá Đa Lộc gởi trưởng đoàn thám hiểm Côn Đảo nói gì?
Các nhà viết sử ít nói đến là trong thời kỳ đầu cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã chú tâm đến Côn Đảo. Rồi chuyện Bá Đa Lộc gởi chứng thư cho thuyền trưởng John Gore cũng lại hé lộ nhiều lý thú
Thời kỳ đầu của cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã chú tâm đến Côn Đảo, muốn biến nơi đây thành trạm tiếp đón thuyền bè ngoại quốc và qua họ, lôi cuốn thương nhân nước ngoài vào buôn bán với Đại Việt.
Thuyền trưởng James Cook (1728-1779) là một nhà hàng hải người Anh nổi tiếng. Ông từng tham gia vào Hải quân hoàng gia Anh, dự cuộc Chiến tranh 7 năm (1756-1763) và sau đó, tiến hành những chuyến thám hiểm trên biển, chủ yếu nhằm lập bản đồ nhiều vùng xa lạ.
Tháng 2.1779, đoàn tàu của ông phải ghé lại Hawaii để sửa chữa. Tại đây, đã xảy ra cuộc xung đột giữa đoàn thám hiểm và người dân bản địa, cuối cùng hầu hết thành viên của đoàn, kể cả Cook, đều bị sát hại.
Trong năm 1779 ấy, người thay thế Cook cầm đầu đoàn thám hiểm là Clerk cũng qua đời một thời gian ngắn sau đó, người thuyền trưởng tiếp theo là John Gore, chỉ huy hai chiếc tàu Resolution và Discovery (người Pháp viết là Résolution và Découverte).
Ngày 20.1.1780, đoàn tàu của Gore cập bến Côn Đảo, thực hiện chuyến thám hiểm trên quần đảo này. Trước tiên họ bắn hai phát đại bác làm hiệu, song không thấy người bản địa nào xuất hiện. Gore bèn cử một thiếu úy đi cùng ông và 4 lính thủy có trang bị vũ khí vào ngôi làng nhỏ trên đảo. Họ bị một đàn trâu rừng chặn đường và có những biểu hiện đe dọa sự an toàn của họ, buộc phải nhờ một số thiếu niên ở gần ngôi làng xua đuổi đàn trâu.
Khi vào tới làng, họ nhìn thấy có khoảng 20 – 30 ngôi nhà cất san sát nhau và được đưa đến ngôi nhà dài nhất của người đứng đầu khu vực đó.Gore trình bày cho người này biết về mục đích chuyến đi của ông ta, và trong lúc được hướng dẫn đi quanh co trong làng, Gore để ý tìm xem những tàn tích của đồn lính mà những người đồng hương (Anh) của ông ta đã dựng lên trên đảo vào năm 1702. Sau khi đi qua nhiều khúc đường, người trưởng làng lấy ra một tờ giấy, cầm trong tay và trao cho Gore.
Nhìn qua tờ giấy, Gore ngạc nhiên khi biết đó là một chứng thư viết bằng tiếng Pháp có nội dung như sau (Lê Nguyễn tạm dịch): “Pierre-Joseph-Georges, Giám mục d’Adran (tức Bá Đa Lộc – LN), Khâm mạng Tòa thánh ở Đàng Trong, …., (chứng nhận) viên quan nhỏ, người mang tờ giấy này thật sự là một phái viên của triều đình cử đến Côn Đảo để chờ và tiếp đón tất cả tàu bè của người Âu đến gần vùng này. Vì vậy, (các) vị thuyền trưởng có thể tin vào điều này, hoặc đưa tàu vào cảng, hoặc chuyển đến những thông tin mà họ tin là cần thiết. Saigon, ngày 10.8.1779 – P.J.G Evêque d’Adran” (L. Gaide – tlđd, trang 87-88, dẫn lại từ một tư liệu của Hội thư mục học Paris).
Đọc xong tờ chứng thư, Gore trả lại cho người trưởng làng và khẳng định họ là những người bạn tốt của viên quan do triều đình cử đến, bày tỏ mong muốn được tiếp đón ông ta trên tàu để chứng tỏ sự thật này. Ông ta và những người đi cùng cảm thấy thỏa mãn với cuộc tiếp xúc ban đầu, lòng còn băn khoăn về tờ giấy chứng nhận bằng tiếng Pháp vừa đọc được.
Đồng thời Gore cũng chấp nhận việc ba người dân trên đảo tình nguyện làm người hướng dẫn cho đoàn thám hiểm. 5 giờ chiều ngày hôm đó, một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, diện mạo dễ coi đã đến gặp thuyền trưởng Gore. Ông ta cầm theo tờ giấy viết bằng chữ Pháp và xác nhận ông ta chính là viên quan được đề cập đến trong tờ chứng thư.
Ông ta cho biết thêm mình là người Cơ đốc giáo được cử từ Sài Gòn ra Côn Đảo từ tháng 8.1779 và có tên thánh là Luc. Từ đó đến khi gặp đoàn thám hiểm, ông ta chờ đợi những tàu của người Pháp để hướng dẫn về một cảng tốt ở Đàng Trong với thời gian hải hành khoảng một ngày. (Còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/chung-thu-giam-muc-ba-da-loc-goi-truong-doan-tham-hiem-con-dao-noi-gi-post1454974.html