Công an tỉnh Nghệ An: Lật tẩy chiêu trò trục lợi bảo hiểm

0

Mặc dù không có bệnh, không có nhu cầu nằm viện nhưng với công cụ là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hàng trăm khách hàng đã cấu kết với nhân viên tư vấn bảo hiểm và đội ngũ y tá, bác sĩ biến chất đang công tác tại các bệnh viện, lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi số tiền hàng chục tỉ đồng. Cá biệt, có những hồ sơ bệnh án giả được “gửi” ở nhiều bệnh viện khác nhau để cùng lúc móc túi nhiều hãng bảo hiểm.

Bỗng dưng lâm trọng bệnh

Đầu tháng 3/2023, anh Trần Ngọc K. (sinh năm 1975), trú tại phường Đông Vĩnh, TP Vinh (Nghệ An), chủ một cơ sở kinh doanh có tiếng trong lĩnh vực ô tô, cần chứng minh tài chính làm visa để đi sang Pháp thăm con gái đang du học tại đây. Quá trình kiểm tra sức khỏe, anh này bị cơ sở y tế thông báo bản thân anh hiện đang phải điều trị nhiều loại bệnh tật, trong đó có những bệnh nan y nên sức khỏe không đảm bảo để được cấp thị thực.

Quá choáng váng bởi anh K. cho rằng, bản thân anh từ trước đến nay hoàn toàn khỏe mạnh, chưa từng phải nhập viện để điều trị nhưng hồ sơ điều trị nội trú của anh hiện lại đang lưu trữ tại một số bệnh viện lớn ở TP Vinh như Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh, Bệnh viện Đa khoa Thái An, Bệnh viện Đông Âu…

Đối tượng Lê thị Hà An tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An.

Đem sự việc này về nhà chất vấn, vợ anh K. mới thú nhận chính chị đã nghe theo lời của nhân viên tư vấn bảo hiểm để làm giả hồ sơ, trục lợi bảo hiểm. Ngoài hồ sơ của vợ chồng anh K. hai đứa con của họ cũng được đưa ra để làm hồ sơ, thậm chí mỗi hồ sơ như vậy không chỉ “đặt” ở một bệnh viện mà còn được “gửi” ở nhiều bệnh viện khác nhau. Số tiền thu về từ tiền chi trả của các hãng bảo hiểm nhân thọ là bao nhiêu, người vợ này cũng không nắm được, chỉ biết rằng khi trót lọt, mỗi hồ sơ như vậy chị được nhận về số tiền từ 3,5-4 triệu đồng tùy theo từng hãng bảo hiểm.

Sự việc vỡ lở, Cơ quan công an vào cuộc điều tra, vợ anh K. cùng một số phụ nữ khác bị điều tra về hành vi trục lợi bảo hiểm.

Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, nhận được đơn tố cáo và cung cấp hồ sơ từ nhiều hãng bảo hiểm nhân thọ như Manulife, Bảo Việt… về việc họ nghi vấn bị khách hàng trục lợi bảo hiểm bằng những bộ hồ sơ bệnh án, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Vào cuộc điều tra, từ những manh mối là hồ sơ bệnh án chưa kịp hợp thức hóa, Công an tỉnh Nghệ An đã lật tẩy chiêu trò móc nối giữa khách hàng, nhân viên tư vấn bảo hiểm với đội ngũ y, bác sĩ biến chất tại một số bệnh viện để móc túi các cơ quan bảo hiểm nhân thọ. Đường dây này hoạt động kín kẽ, tinh vi, chuyên nghiệp khiến các điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức để đấu tranh, triệt xóa. Thậm chí, có thời điểm vụ án tưởng chừng rơi vào bế tắc khi biết tin các cơ quan bảo hiểm phối hợp với cơ quan điều tra, các đối tượng trong đường dây đã án binh bất động, lặng lẽ trốn khỏi địa bàn bằng hình thức đi du lịch, thăm thân. Song, bằng nghiệp vụ sắc bén, những chiêu trò trục lợi bảo hiểm của các cơ quan nhân thọ đã dần được đưa ra ánh sáng.

Nhóm y, bác sĩ tham gia đường dây trục lợi bảo hiểm bị bắt giữ.

Cấu kết với y, bác sĩ để trục lợi bảo hiểm

Theo tài liệu của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An, “mắt xích” quan trọng trong đường dây này là Lê Thị Hà An (sinh năm 1989), trú tại phường Quán Bàu, thành phố Vinh. Là một người lao động tự do, chồng giáo viên, nhưng thời gian gần đây đối tượng này giàu lên về kinh tế một cách đáng ngờ. Không chỉ mua được căn hộ cao cấp trị giá tiền tỉ trên địa bàn trung tâm thành phố, Hà An còn mạnh tay chi tiền xây nhà mới cho bố mẹ già. Từ sự bất thường này, cơ quan điều tra vào cuộc và nhận thấy, Hà An là người có kiến thức về các gói bảo hiểm cũng như cách thức làm hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng của một số công ty bảo hiểm nhân thọ.

Từ chuyên môn này, Hà An nhanh chóng trở thành mắt xích trong đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn trên địa bàn khi đứng ra móc nối, liên hệ với những người cần làm bệnh án giả để thanh toán quyền lợi bảo hiểm, hướng dẫn họ mua các hợp đồng bảo hiểm mà khi bị tai nạn sẽ được chi trả hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, từ danh sách khách hàng sử dụng bảo hiểm nhân thọ mà mình nắm được, Hà An đã liên hệ để họ đứng ra làm giả bệnh án điều trị nội trú để hưởng tiền giường, tiền điều trị theo chế độ ưu đãi hiện hành của các hãng bảo hiểm. Không quan tâm việc khách hàng được bảo hiểm chi trả hay không, khi có được thông tin bệnh nhân, đối tượng cấu kết với Thái Thị Mai (sinh năm 1967, là mẹ ruột) và Nguyễn Quốc Việt (sinh năm 1984), kỹ thuật viên chụp X-quang, cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ làm giả bệnh án gãy xương và bỏng. Mỗi bộ hồ sơ được làm giả, Lê Thị Hà An đều chi trả tiền công từ 2,5-5 triệu đồng cho Việt và bà Mai. Trong đó, Việt là người chỉnh sửa phim X-quang theo thông tin nhận được từ Hà An, bà Mai thực hiện đăng ký khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện rồi nhờ các bác sĩ điều trị ký khống thủ tục để khép bệnh án.

Cơ quan CSĐT tiến hành bắt giữ bác sĩ Trần Đức Lượng.

Xong mọi thủ tục, Hà An chuyển lại cho khách hàng để đề nghị các công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm. Ngoài việc cấu kết với nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ, Lê Thị Hà An còn móc nối với bác sĩ Trần Đức Lượng (sinh năm 1982), trú tại khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, hiện là bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh để lập khống hồ sơ bệnh án thanh toán trục lợi tiền bảo hiểm.

Tại đây, Trần Đức Lượng đã kết nối cho Hà An với một số nhân viên khác là Hoàng Thị Hiền, Nguyễn Thị Ngọc (điều dưỡng viên Bệnh viên Đại học Y khoa Vinh) và Võ Thị Vân Anh (nhân viên tư vấn của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt) để cùng nhau thực hiện hành vi gian dối. Hà An và Vân Anh có nhiệm vụ tiềm kiếm khách hàng có nhu cầu làm bệnh án giả, sau đó Lượng đăng ký thông tin người khám bệnh tại bộ phận tiếp đón để khám, điều trị tại Khoa Nội tim mạch, theo dõi và chỉ định thuốc như những bệnh nhân nằm viện khác như quy trình của bệnh viện.

Đến thời hạn ra viện, Lượng làm thủ tục ra viện cho các bệnh nhân và trích sao bệnh án đưa cho Lê Thị Hà An và những người nhờ Lượng làm bệnh án để làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Với quy trình khép kín tinh vi này, mặc dù không thực hiện khám, nằm viện nhưng phía bảo hiểm vẫn phải chi trả cho các “bệnh nhân khống” từ 7-8 triệu đồng một bệnh án.

Hai đối tượng Trần Đức Lượng và Nguyễn Quốc Việt.

Theo một điều tra viên, đường dây này tinh vi ở chỗ, chỉ nhận làm bệnh án giả cho những người quen biết, thấy ai lạ mặt đặt vấn đề là từ chối ngay, mặc dù phạm vi hoạt động của các nghi phạm rất rộng, bán kính lên đến hàng trăm cây số. Ngay khi cơ quan điều tra có đủ chứng cứ để khẳng định các đối tượng cấu kết để trục lợi bảo hiểm cũng là thời điểm các đối tượng thấy động tĩnh nên tìm cách lẩn trốn dưới hình thức đi du lịch nên ban chuyên án quyết định cất vó. Ngày 15/6/2023, khi mẹ con Lê Thị Hà An đang du lịch ở TP Hồ Chí Minh, trinh sát đã vượt cả nghìn cây số vào tận khách sạn để bắt giữ. Cùng thời điểm, các trinh sát ở Nghệ An cũng đến Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh và Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ thực hiện lệnh khám xét, bắt để tạm giam bác sĩ Trần Đức Lượng, kỹ thuật viên Nguyễn Quốc Việt.

Cùng bị bắt giữ còn có một khách hàng tên là Nguyễn Thị Quỳnh An (sinh năm 1985) để điều tra về hành vi trục lợi bảo hiểm. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, từ năm 2022 đến nay, Lê Thị Hà An đã làm giả 22 bệnh án gãy xương và bỏng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ và Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, giúp đối tác được các công ty bảo hiểm nhân thọ chi trả 3 tỷ đồng. Trong đó, bình quân một bệnh án được trả từ 100-300 triệu đồng, cá biệt có những bộ hồ sơ được “đặt” tại nhiều bệnh viện để thanh toán qua nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau. Ngoài ra, Lê Thị Hà An và bác sĩ Trần Đức Lượng còn làm khống hơn 450 bệnh án nằm điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội Nghệ An và các công ty khác khoảng 3 tỷ đồng.

Giấy ra viện nằm trong bộ hồ sơ được lập khống tại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Vinh.

Ngày 24/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, gian lận trong bảo hiểm y tế để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ, gây thiệt hại cho bảo hiểm y tế, bắt giữ 5 đối tượng liên quan. Bước đầu làm rõ, các đối tượng đã lập khống hàng trăm bộ hồ sơ bệnh án để chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế với tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng.

Theo Thiện Thành

Nguồn https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/cong-an-tinh-nghe-an-lat-tay-chieu-tro-truc-loi-bao-hiem-i706138/