Hội thảo khoa học kinh tế số – Lý luận và những vấn đề đặt ra cho Nghệ An
Sáng 27/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Kinh tế số – Lý luận và những vấn đề đặt ra cho Nghệ An. Các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN cùng chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các Nhà khoa học, các chuyên gia; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các doanh nghiệp.
Phát biểu Đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 5/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 09/NQ-TU.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Nghệ An đang gặp phải không ít khó khăn, như: Thiếu vốn, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao; số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh chưa nhiều. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường; khung khổ, môi trường pháp lý; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin còn yếu và chưa đồng bộ; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng…
Từ thực tế này, tỉnh Nghệ An mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp chặt chẽ, hợp tác cùng nhau tìm ra giải pháp, mô hình nhằm phát triển kinh tế số một cách hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã cung cấp các cơ sở khoa học, thực tiễn về kinh tế số và phát triển kinh tế số như: Các trụ cột, xu thế phát triển kinh tế số, điều kiện phát triển kinh tế số và kinh nghiệm một số tỉnh trong cả nước, các Quốc gia phát triển để làm cơ sở khi áp dụng tại Nghệ An.
Một số ý kiến cũng đã tập trung đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức phát triển kinh tế số ở Nghệ An; tiềm năng, lợi thế, tiền đề phát triển kinh tế số. Đồng thời, phân tích sâu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, đánh giá tác động của phát triển kinh tế số tới kinh tế tỉnh Nghệ An. Phân tích và đề xuất các giải pháp khả thi phát triển kinh tế số ở một số lĩnh vực có triển vọng tại Nghệ An
Định hướng phát triển kinh tế số Nghệ An
GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra định hướng phát triển kinh tế số Nghệ An
Để có thể xây dựng Đề án phát triển kinh tế số của Nghệ An một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn cao, phát huy được các tiềm năng và dư địa phát triển kinh tế số của tỉnh, theo GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nghệ An cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực trạng kinh tế số áp dụng cho tỉnh. Cùng với đó tiến hành đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, bao gồm 3 thành phần chính: Kinh tế số công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực…
Bàn về giải pháp là tiền đề cho phát triển kinh tế số, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Nghệ An cần phải tăng cường nhận thức về kinh tế số cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương đối với kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực kinh tế số; nâng cao năng lực kinh tế số đối với lãnh đạo doanh nghiệp. PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, việc xây dựng một đội ngũ chuyên gia tư vấn và quản lý kinh tế số là rất cần thiết. Bởi vậy, Nghệ An cần hình thành một nhóm cộng tác các chuyên gia cao cấp đa ngành, bao gồm các lĩnh vực liên quan như khoa học, công nghệ, kinh tế và quản lý để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số cho tỉnh trong trung và dài hạn. Trong số đó, cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư và các nhà khoa học cả trong và ngoài nước để có sự kết hợp của chủ thể trong phát triển hệ sinh thái kinh tế số.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cũng cho rằng thành phần chủ chốt của sự phát triển kinh tế số tại Nghệ An là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quyết tâm và nỗ lực tự đào tạo về kinh tế số của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc tạo động lực triển khai và ứng dụng các thành phần kinh tế số. Các cấp chính quyền cần phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao kiến thức và kỹ năng về kinh tế số cho các lãnh đạo doanh nghiệp.
Xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi số tại Nghệ An
Trả lời câu hỏi các đối tượng nào phải chuyển đổi số trước tiên? Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đến từ trường Đại học Đông Á, khối các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, các Sở, ban, ngành phải là nơi đầu tiên thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Mọi thủ tục hành chính, mọi quyết định hành chính, mọi tác nghiệp quản lý phải được thực thi trong môi trường kỹ thuật số. Sự đi đầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong môi trường kỹ thuật số tự động buộc các doanh nghiệp và các cá nhân phải tham gia theo.
Cùng với đó, các ngành bưu chính viễn thông, ngân hàng phải đi tiên phong trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong hai ngành này có tác động quan trọng đến chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cũng cho rằng, các doanh nghiệp là đối tượng mang tính chìa khóa trong chuyển đổi kỹ thuật số. Các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tư nhân và nhà nước, nội địa và quốc tế phải đồng loạt chuyển đổi sang môi trường kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, Nghệ An hãy mạnh dạn và không chậm trễ vạch ra một lộ trình cụ thể cho “chuyển đổi số toàn dân”; thúc đẩy thanh toán điện tử và thương mại điện tử đi trước một bước…
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: http://nghean.gov.vn/tin-noi-bat/hoi-thao-khoa-hoc-kinh-te-so-ly-luan-va-nhung-van-de-dat-ra-cho-nghe-an-535204