‘Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh’

0

“Còn nếu ta vẫn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã” (trích Nhật ký chiến trường ngày 4.11.1968).
Tôi đã đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Bây giờ là Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý. Một người là bác sĩ, một người là nhà văn. Họ đều ra đi từ Hà Nội, đều chiến đấu ở chiến trường khu Năm, đều ngã xuống vào năm 28 tuổi. Chỉ có khác, khi hy sinh, chị Trâm vẫn chưa lập gia đình, còn chị Quý đã là người mẹ:

“ Lòng tôi chợt quặn đau

Mắt tôi mờ bóng khói

Ngoảnh nhìn về phía sau

Con vẫn như đang gọi”

(thơ chị Xuân Quý – Bài thơ tặng con)

Bởi có quá ít người mẹ phải đi chiến trường trong hoàn cảnh như chị Quý: chồng đã đi chiến trường trước mình, con thì còn quá bé dại, phải gửi nhờ bà ngoại nuôi nấng. Cái gì đã thôi thúc chị Quý ra đi trong hoàn cảnh ấy? Đó chính là một khát vọng lớn về văn học.

Bìa sách Nhật ký chiến trường

Là một nhà văn trẻ, chị Quý khao khát viết những trang văn có sức nặng thực sự về nhân dân mình, đất nước mình. Có 7 năm là phóng viên Báo Phụ Nữ, chị Quý đã có không ít bài báo, những truyện ngắn và bút ký được dư luận chú ý, trong đó có những tác phẩm viết từ tuyến lửa khu Bốn. Nhưng với chị, như thế vẫn là chưa đủ. Chị khao khát đi chiến trường, để thực sự tắm mình vào cuộc chiến đấu, để mỗi tác phẩm mình viết sẽ là mỗi thôi thúc từ nội tâm, mỗi từng trải, mỗi trang trải cùng nhân dân và đồng đội ở tại những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến. Mang một lời nguyện thề trong lặng lẽ với con, với chồng, với chính mình, chị Quý đã lên đường vào chiến trường.

Nhật ký chị Dương Thị Xuân Quý cho ta thấy những giằng xé trong tâm hồn giữa một người mẹ và một nhà văn nhiều khi khốc liệt như thế nào. Dù là một phụ nữ, một nhà văn cực kỳ kiên nghị, nhưng chị Quý còn là một người mẹ trẻ vô cùng thương con phải rời bỏ đứa con chưa đầy 2 năm tuổi của mình: “Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời con có cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói “Đi Nam” (trích Nhật ký chiến trường ngày 15.12.1968). Những đoạn viết về con trong Nhật ký chiến trường đọc lên thật khó ai cầm lòng. Đau ruột lắm! Nó như một theme nhạc nhấn đi nhấn lại day dứt suốt quyển nhật ký này.

Nhưng “Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh” (trích Nhật ký chiến trường). Mà lòng chị Quý, chị Trâm thì không phút giây nào nguội lạnh. Họ là những anh hùng theo đúng nghĩa của từ này, nếu ta hiểu anh hùng là người biết tự vượt lên chính mình, vượt qua những hoàn cảnh tưởng chừng không vượt qua nổi để hành động vì những lý tưởng cao đẹp. Tôi đã đọc nhiều trang nhật ký của chị Quý như đọc những trang thơ, những trang thơ – văn xuôi. Biết đâu, nếu còn sống và khi đã trải qua những ác liệt nhất ở chiến trường, chị Quý chẳng lại làm thơ?

Với tôi, mỗi dòng nhật ký của nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý nặng tợ Thái Sơn. Bởi nó đã chạm tới nỗi đau, tới chiều sâu thẳm của số phận con người trong chiến tranh.

Nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là một người Mẹ anh hùng.

Nguồn: https://thanhnien.vn/dang-so-nhat-la-long-ta-nguoi-lanh-post1454571.html