Nữ sinh đeo vòng bạc sạc điện thoại tử vong: Lời cảnh báo

0

Nữ sinh học lớp 11 đeo vòng bạc ở tay trong lúc cắm sạc điện thoại đã không may bị điện giật dẫn đến tử vong.

Đeo trang sức ở tay khi sạc điện thoại có thể khiến bạn gặp rủi ro không đáng có

Nạn nhân là em L.T.A.D. (SN 2007, trú bản Huồi Mác, xã Lãng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Khoảng 20 giờ ngày 13/11, em D trong lúc cắm sạc pin điện thoại ở nhà thì không may bị điện giật.

Phát hiện sự việc, người thân đã nhanh chóng đưa em D đi cấp cứu nhưng em đã tử vong ngay sau đó.

Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết, hiện D đang là học sinh lớp 11, hoàn cảnh gia đình của em rất khó khăn.

Theo vị lãnh đạo xã thông tin, trên tay D có đeo lắc tay bằng bạc. Có thể khi đang thực hiện thao tác cắm củ sạc vào ổ điện thì lắc bạc này vô tình lọt vào ổ cắm điện khiến D bị điện giật.

Cảnh báo trước tình trạng trên, anh Nguyễn Hoàng Dũng (chủ cửa hàng điện thoại trên phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua xảy ra khá nhiều trường hợp nạn nhân bị điện giật do quá trình sạc điện thoại.

Ngoài trường hợp hi hữu kể trên, đa phần xảy ra hiện tượng bị giật là do họ mua sạc không rõ nguồn gốc hoặc sạc dùng lâu không kiểm tra xem có bị hở không.

Hơn nữa một bộ sạc đúng chuẩn của thương hiệu nhưng không rõ dành cho thiết bị cụ thể nào cũng có thể khiến cho các thông số kĩ thuật không khớp, dẫn đến chập mạch khi quá tải điện.

Đặc biệt hiện nay nhiều người có thói quen cắm sạc để qua đêm, thậm chí vừa sạc vừa dùng điện thoại nên dẫn đến những tai nạn đau lòng”.

Theo anh Dũng cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng trên còn do ý thức chủ quan của người sử dụng.

Việc tay đeo vật trang sức được làm bằng vật liệu có khả năng dẫn điện cao như vàng, bạc, đồng.

Nếu vật này gặp nguồn điện cũng sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng khi một phút lơ là, không cảnh giác.

Ngoài ra sạc không đúng dòng điện cũng gây nên hiện tượng cháy nổ. Thậm chí có nhiều sạc không rõ nguồn gốc hoặc linh kiện không chuẩn trà trộn vào dẫn đến việc sạc nhanh hỏng, thậm chí rò rỉ điện ra ngoài.

Để hạn chế được những rủi ro không đáng có, người sử dụng cần kiểm tra trước khi sạc. Nếu điện thoại bị vỡ hay đập mạnh nên mang ra cửa hàng kiểm tra kỹ càng rồi mới đem đi sạc.

Đặc biệt trong quá trình sạc điện thoại không nên sờ vào, tuyệt đối cẩn thận với đồ vật trang sức đeo tay. Có thể chúng lại chính là thủ phạm khiến bạn bị điện giật nếu không may làm rơi vào ổ điện.

Ngoài ra trước khi rút điện thoại phải ngắt nguồn điện trước. Trong quá trình sạc điện thoại nên cách nơi ngủ 3-5 mét để khi có bất trắc, bản thân chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng.

Chính vì thế để đảm bảo bạn và điện thoại đều được an toàn vào mỗi đêm khi ngủ, hãy cẩn thận trong việc mua dây sạc, củ sạc. Chọn các nơi bán hàng uy tín và kiểm tra xem trên sản phẩm có các tem chống hàng giả hay không?

Trước đó từng giải thích về nguyên nhân người dùng có thể bị điện giật với báo chí, TS Đặng Hoài Bắc (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) cho hay, bất kỳ dòng điện thoại nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách, hoặc linh kiện của bộ sạc không không rõ nguồn gốc.

Trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng, có thể dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì, gây ra hiện tượng điện giật nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là điện thoại có vỏ kim loại.

Theo các chuyên gia, bộ sạc đảm bảo chất lượng phải bao hàm thiết bị có vai trò cách ly điện giữa phần đầu vào và đầu ra – tức chuyển đổi nguồn điện áp cao 220V xuống điện áp thấp 5V.

Thiết bị này chính là phần hộp lớn nhất nằm ở phần đầu vào của bộ sạc. Theo đó, sạc điện thoại cần có các tiêu chuẩn cụ thể như cách điện giữa đầu ra và đầu vào, được quy định tùy theo hệ thống tiêu chuẩn của từng quốc gia. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn chống cháy nổ để không gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Nếu đúng chuẩn, điện áp đầu ra rất thấp (5V), không thể gây giật hay chết người.

Nhưng khi dùng thiết bị không đảm bảo yêu cầu an toàn cách ly nguồn điện hoặc khi bị hư hỏng phần cách điện bên trong, phần đầu ra có thể sẽ được nối thông điện với phần đầu vào.

Tức là điện áp đầu ra cũng chính là điện áp nguồn (220V). Khi đó, ngoài khả năng gây cháy điện thoại do điện áp cao, người dùng có thể bị điện giật nếu chạm vào điện thoại, nhất là khi tay ướt.

Theo Thanh Thanh

Nguồn https://giaoducthoidai.vn/nu-sinh-deo-vong-bac-sac-dien-thoai-tu-vong-loi-canh-bao-post661260.html