Phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
Sáng 31/10, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình.
Tham dự phiên giải trình có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Sau phiên giải trình có thêm 143 cơ sở nhà, đất phê duyệt phương án sắp xếp
Trước khi bước vào nội dung chính của phiên giải trình, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả thực hiện kết luận phiên họp giải trình tháng 6/2022 của Thường trực HĐND tỉnh về công tác sắp xếp nhà, đất sau sáp nhập đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến ngày 06/10/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt 1.579/4.326 cơ sở nhà, đất (đạt 36,5 tổng số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp); số cơ sở nhà, đất phê duyệt tăng sau phiên họp giải trình ngày 21/6/2022 của Thường trực HĐND tỉnh là 143 cơ sở; số cơ sở nhà đất còn lại chưa được sắp xếp là 2.747/4.326 cơ sở (chiếm 63,5%).
Theo đánh giá, việc lập, đề xuất phương án sắp xếp nhà, đất của các huyện, thành phố, thị xã đã có tiến triển nhưng còn chậm; các địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng liên quan chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; kinh phí thực hiện việc trích đo, trích lục còn hạn chế.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐ ND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, kiểm kê số lượng tài sản công sau sáp nhập. Đồng thời yêu cầu trước ngày 30/6/2023 tất cả những tài sản phải sắp xếp sau sáp nhập đều có phương án xử lý. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở nhà đất nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ; thống kê các cơ sở trụ sở của các cơ quan Trung ương đứng chân trên địa bàn để đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan để có phương án xử lý đối với những tài sản công không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; bố trí kinh phí thực hiện việc trích đo, trích lục diện tích nhà, đất phục vụ việc lập phương án sắp xếp nhà, đất sau sáp nhập.
Cần có giải pháp căn cơ trong công tác giải tỏa hành lang ATGT
Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong thời gian qua, các đại biểu cơ bản đánh giá: Các cấp, các ngành đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện cơ bản kịp thời, đầy đủ. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATGT có nhiều chuyển biến; quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm hành lang và đảm bảo trật tự ATGT; việc xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn gây nguy cơ tai nạn giao thông được thực hiện kịp thời; công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát được chú trọng. Việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Kết quả xử lý vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt đã có tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự nói chung và ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu, công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các cơ quan liên quan trong công tác rà soát, giải toả vi phạm hành lang giao thông còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ.
Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, sự gia tăng của phương tiện giao thông; một số tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, xã xuống cấp gây mất an toàn giao thông. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ tại các tuyến đường giao thông ở các địa phương còn thiếu, chưa được quan tâm lắp đặt.
Việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang ATGT chưa được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức; việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT chưa được duy trì thực hiện thường xuyên, việc xử lý các trường hợp vi phạm của một số địa phương còn thiếu kiên quyết, thiếu hiệu quả.
Tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá tải trọng; xe quá khổ, tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng, xe chở vật liệu không phủ bạt, rơi vãi vật liệu trên đường còn khá phổ biến, chưa được xử lý dứt điểm.
Trước những hạn chế, tồn tại được các đại biểu nêu lên, UBND tỉnh, Sở GTVT và các sở, ngành, địa phương liên quan làm rõ nguyên nhân, giải pháp và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phản ánh những bất cập trong tổ chức giao thông, một số ý kiến đề nghị ngành GTVT, Công an cho biết phương án, biện pháp xử lý, giải tỏa hành lang ATGT để không còn tình trạng tái lấn chiếm…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá: Ngay khi Nghị quyết 27 được HĐTD thông qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện được cụ thể hóa bằng các Kế hoạch, Công điện, Văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/9/2022 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó nghiêm cấm việc can thiệp xử lý vi phạm trật tự AGTG đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Tai nạn giao thông vẫn diễn ra, nhưng so với cùng kỳ năm trước đều giảm ở cả 3 tiêu chí, nhất là trong 10 tháng qua, không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng.
Điểm lại những hạn chế, tồn tại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT tại Kế hoạch số 36/KH-UBATGT của Ủy ban ATGT quốc gia, nhất là những tháng cuối năm 2022. Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ; lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, trong đó tăng cường thông tin về quy định, hình thức xử phạt, công tác xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là vai trò của chính quyền cấp xã trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát lắp đặt bổ sung hoặc thay thế các biển báo giao thông, tập trung tại các vị trí thường xẩy ra tai nạn giao thông; xây dựng bổ sung các gờ giảm tốc độ tại các điểm giao cắt với quốc lộ; quy hoạch bổ sung các điểm dừng, đỗ xe, nhất là ở các tuyến đường trong khu vực đô thị.
Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch nối các vùng miền, khu vực kinh tế trọng điểm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm điều khiển phương tiện giao thông; vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về tải trọng; công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông; đào tạo, sát hạch thi bằng lái xe…
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải khách bằng xe buýt, vận tải khách liên tỉnh, xe cứu thương. Điều chỉnh tần suất, lộ trình, điểm dừng đỗ xe buýt đảm bảo khoa học, hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhân dân và đảm bảo trật tự, an toàn trong lĩnh vực vận tải…
Cũng trong sáng nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành đánh giá kết quả công tác tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11/2022.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: https://www.nghean.gov.vn/tin-noi-bat/phien-giai-trinh-ve-cong-tac-dam-bao-trat-tu-an-toan-giao-thong-tren-dia-ban-tinh-535441