Liên hợp quốc thúc đẩy công bằng về vắc-xin

438

Nhân dịp kết thúc Tuần tiêm chủng thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy công bằng về tiếp cận vắc-xin trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm cơ sở sản xuất vắc-xin tại Senegal. (Ảnh UN NEWS)

Phát biểu trong chuyến thăm Senegal ngày 1/5, ông Guterres cho biết, hiện gần 80% người dân châu Phi chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho đây là “sự thất bại về mặt đạo đức” và điều này không thể chấp nhận được.

Tuần lễ Tiêm chủng thế giới, được tổ chức vào tuần cuối tháng 4, nhằm nhấn mạnh các hành động tập thể và thúc đẩy việc sử dụng vắc-xin để bảo vệ mọi người dân ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tích cực làm việc với các quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của vắc-xin và tiêm chủng, đồng thời bảo đảm để các chính phủ nhận được hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết nhằm thực hiện các chương trình tiêm chủng chất lượng cao.

Hàng loạt quốc gia đã chọn ngày 1/5 là thời điểm bắt đầu áp dụng các quy định nới lỏng hoặc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch Covid-19. Tại châu Âu, từ ngày 1/5, các nhà hàng, cửa hàng tại Hy Lạp không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng. Bulgaria dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với du khách quốc tế. Ðức ngừng áp dụng quy định kiểm dịch bắt buộc với những người mắc Covid-19. Tại châu Mỹ, Chile mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ từ ngày 1/5.

Tại châu Á, Kuwait dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch từ ngày đầu tiên của tháng 5. Du khách đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh Thái Lan không còn phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Malaysia cũng áp dụng quy định tương tự, trong khi bảo hiểm du lịch không còn là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh.

Tuy nhiên, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần duy trì giám sát các ca mắc Covid-19, vì vi-rút SARS-CoV-2 chưa biến mất, vẫn lây lan, biến đổi và gây các ca tử vong. Mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm vẫn hiện hữu và thế giới chưa hiểu hết hậu quả lâu dài đối với các trường hợp đã khỏi bệnh.

Theo các chuyên gia về vi-rút, dù đã đột biến nhiều lần, song SARS-CoV-2 vẫn còn nhiều không gian thay đổi, có thể dễ lây lan hơn. Bằng chứng mới nhất là Omicron đã tạo ra biến thể phụ BA.2.12.1. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể BA.2.12.1 có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2 của Omicron hiện chiếm ưu thế chủ đạo tại Mỹ.