Nghệ An: Học sinh háo hức qua cầu dân sinh vượt lũ ngày rét buốt

308

Cầu dân sinh bản Na xây xong các học sinh không phải lội nước lạnh buốt để đến trường vào những ngày đông lạnh giá.

Ngày 13/12, UBND xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cùng Câu lạc bộ Tennis báo chí Nghệ An đã phối hợp làm lễ khánh thành cầu dân sinh vượt lũ tại tại bản Na, xã Nậm Nhoóng.

Bản Na, xã Nậm Nhoóng cách trung tâm huyện Quế Phong 34 km, bản có 123 hộ với 534 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 99,2% trên tổng số hộ. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 65%. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và các sản vật từ rừng.

Thời điểm chưa có cầu các học sinh phải lội suối để đi học.

Vào mùa mưa lũ, nước suối tại khe bản Na đang cao khiến cho việc đi lại, làm ăn của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các em học sinh đến trường phải lội nước trong những ngày đông lạnh giá.

Biết được những khó khăn này, CLB Tennis báo chí Nghệ An đã huy động quyên góp từ các thành viên CLB, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để tổ chức lễ khởi công cầu vượt suối bản Na giúp cải thiện cuộc sống, đi lại của người dân nơi đây.

Sau gần 3 tháng thi công, vào sáng 13/12, cây cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui sướng của người dân và học sinh nơi đây.

Ông Lữ Đình Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng thay mặt người dân và chính quyền địa phương xúc động cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của những người làm báo trên quê hương Bác Hồ dành cho bản Na.

Cây cầu đưa vào sử dụng các em học sinh đã có thể đến trường mà không phải lội nước.
Bà con cũng dễ dàng đi lại.

Trước đó, CLB Tennis Báo chí Nghệ An cũng đã làm lễ khởi công cầu dân sinh bản Xốp Cốc, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ngày 24/9, sau một thời gian thi công khẩn trương cùng sự ủng hộ, nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay cầu đã thi công xong; được kiểm tra để bàn giao cho chính quyền và nhân dân đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ.

Bản Xốp Cốc có hơn 150 hộ dân với 500 nhân khẩu, phần lớn đều là đồng bào dân tộc, tỉ lệ hộ nghèo gần 60%. Do địa hình đồi núi chia cắt nên cuộc sống người dân địa phương còn nhiều gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu đưa vào hoạt động đã giúp bà con cải thiện cuộc sống, di chuyển dễ dàng.

Theo Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-hoc-sinh-hao-huc-qua-cau-dan-sinh-vuot-lu-ngay-ret-buot-a585460.html