Cao tốc ở Nghệ An bộc lộ bất cập

329

Sau hơn 5 tháng đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An đã bộc lộ bất cập. Không chỉ hạn chế về điểm dừng nghỉ, làn đường hẹp mà một số hạng mục phụ trợ như hệ thống đường gom, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, gây ngập úng cục bộ, cầu vượt qua cao tốc không có đèn chiếu sáng…

Sau hơn 5 tháng đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Nghệ An đã bộc lộ bất cập. Không chỉ hạn chế về điểm dừng nghỉ, làn đường hẹp mà một số hạng mục phụ trợ như hệ thống đường gom, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, gây ngập úng cục bộ, cầu vượt qua cao tốc không có đèn chiếu sáng…

Tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Toàn tuyến dài 50km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 43,5km. Điểm đầu tuyến tại nút giao với đường Nghi Sơn – Bãi Trành, tiếp nối với đường cao tốc QL45 – Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và điểm cuối giao với QL7, kết nối với đường cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu.

Ngày 2/9/2023, tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng vận hành, lái xe đã phản ánh nhiều bất cập. Cụ thể, toàn tuyến không có làn khẩn cấp, chỉ bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm, cùng đó, tuyến cao tốc này hiện có mặt đường nhỏ nên vận tốc bị hạn chế, tốc độ tối đa 90km/h. Các điểm dừng khẩn cấp được thiết kế trên tuyến cũng nhỏ hẹp, chỉ đủ xe con đậu vừa, các loại xe cỡ lớn đậu vào sẽ bị lấn ra vạch của làn đường cao tốc đang đi. Đặc biệt, trên tuyến chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu để lái xe kiểm tra phương tiện, nghỉ ngơi, tiếp xăng dầu, điều này gây phiền toái, bất tiện khi lưu thông trên cao tốc…

Người dân sống dọc tuyến QL48 tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, thị xã Thái Hòa cũng cho rằng tuyến cao tốc này không có nút giao ra vào tại điểm QL48 đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên lái xe trên tuyến đường, anh Phan Văn Thông, trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn cho biết, hàng tháng, anh nhận vài chuyến chở khách đi ra Bắc và ngược lại. Trước khi vào cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu, anh phải dặn khách tranh thủ đi vệ sinh. Tuy nhiên, quãng đường dài phía trước vẫn quá sức chịu đựng của nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ. “Từ Nghệ An đi qua Thanh Hóa dài hơn 100km nhưng không có trạm dừng nghỉ nên lúc khách bí bách rất bất tiện. Mỗi lần khách muốn giải quyết nhu cầu, tôi phải rẽ vào điểm dừng khẩn cấp. Nhiều người chấp nhận nín nhịn đợi ra khỏi cao tốc mới tìm chỗ đi vệ sinh” – anh Thông nói.

Tương tự, tài xế Nguyễn Quang Thành cho hay, cao tốc mà không có trạm dừng nghỉ, không có cây xăng thì thực sự nguy hiểm. Việc di chuyển trên một tuyến đường dài sẽ không tránh được những lúc mệt mỏi hay phương tiện hết xăng. Máy móc ô tô cũng cần có thời gian dừng nghỉ nhất định.

Ông Trần Hữu Hải – Giám đốc BQL dự án 6 (Bộ GTVT) – Chủ đầu tư dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu cho rằng, cần sớm triển khai việc mở rộng nền, làn đường trên cao tốc. Cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu được đầu tư phân kỳ giai đoạn và hiện có 4 làn đường hạn chế với mỗi làn rộng 3,5m. Theo thiết kế này, tốc độ tối đa cho phép là 90km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có 6 làn, mỗi làn rộng 3,75m với tốc độ tối đa từ 100 – 120km/h.

Theo ông Hải, việc các tài xế bí bách khi đi cả quãng đường dài nhưng chưa có trạm dừng nghỉ trên tuyến là đúng. Hiện các cơ quan chức năng đang làm quy trình thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến trong quý 2/2024 sẽ đấu thầu và tiến hành xây dựng trạm dừng nghỉ.

Trong khi đó, ông Phan Huy Chương – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho biết, phía đơn vị thường xuyên theo dõi và nếu phát hiện những bất cập trên tuyến sẽ có kiến nghị để giải quyết. Hiện toàn tuyến không có làn khẩn cấp và chỉ có một số điểm dừng khẩn cấp. Đây là một vấn đề cần phải xem xét khi mật độ giao thông trên tuyến nhiều hơn so với hiện tại. Nói về vấn đề nút giao lên xuống tại điểm QL48, ông Chương cho hay, nếu địa phương cần thì vẫn có thể làm được. Tuy nhiên phải xem xét về nhu cầu bức thiết chưa vì khi mở thêm nhiều nút giao sẽ làm mất đi ý nghĩa cao tốc, các phương tiện phải giảm tốc khi đến khu vực nút giao, đồng thời kéo theo thêm chi phí xây dựng, quản lý, phục vụ…

Theo Điền Bắc

Nguồn https://daidoanket.vn/cao-toc-o-nghe-an-boc-lo-bat-cap-10273761.html