Châu Âu ứng phó ra sao khi ông Putin buộc thanh toán bằng đồng ruble?

346

Một số công ty phân phối khí đốt của Đức, Áo, Italy và Hungary đang lên kế hoạch sử dụng hệ thống thanh toán mới cho khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Bài toán giao dịch khí đốt bằng đồng ruble của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tăng “độ khó” khi hôm 27/4, Nga cắt khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria do hai nước từ chối dùng cơ chế thanh toán bằng đồng ruble như công ty dầu khí Nga Gazprom đề xuất.

Công nhân đang lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của Gazprom. Ảnh: Bloomberg.

Trong bối cảnh đó, EU đang soạn thảo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, bao gồm việc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow. Nội dung dự kiến hoàn thành và trình lên đại sứ các nước thành viên tại EU ngày 4/5.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là quốc gia phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga, cho biết có thể hỗ trợ lệnh cấm vận đối với dầu nhập khẩu từ Moscow, dù điều này có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Các lệnh trừng phạt của EU được cho là sẽ có những ngoại lệ nhằm nhận sự ủng hộ từ những nước phụ thuộc lớn vào dầu mỏ Nga như Hungary và Slovakia, theo AFP.

Tính đến nay, tại châu Âu, những tập đoàn dầu khí lớn của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Phần Lan, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển và Na Uy đã hoặc sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm 2022, theo Reuters.

Trong khi đó, những công ty dầu khí từ các nước Đông Âu như Hungary, Bulgaria hay Hy Lạp vẫn tiếp tục các hợp đồng mua dầu mỏ từ Moscow.

Mol – công ty dầu khí của Hungary, đang vận hành 3 nhà máy lọc dầu tại Hungary, Slovakia và Croatia – cho biết sẽ mất khoảng 2-4 năm cùng kinh phí khoảng 500-700 triệu USD để có thể thay thế nguồn dầu mỏ nhập từ Nga, trong trường hợp EU áp dụng lệnh cấm vận mà không có ngoại lệ nào.

Mua bằng ruble nghĩa là gì?

Dầu khí đang là lá bài của Nga khiến phương Tây chia rẽ. Ảnh: AP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố bên mua đến từ các nước “không thân thiện” sẽ phải mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Thông thường, các hợp đồng giao dịch dầu khí với Nga sẽ được trả bằng USD hoặc EUR.

Theo Nghị định 172 được Tổng thống Putin đưa ra hồi tháng 3, bên mua phải tham gia hình thức thanh toán mới bằng việc mở hai tài khoản tại ngân hàng quốc doanh Gazprombank của Nga.

Một tài khoản sẽ nhận USD hoặc EUR, sau đó ngân hàng sẽ chuyển số tiền đó sang đồng ruble và trả cho Gazprom thông qua tài khoản thứ hai. Đến khi đó, bên mua mới được coi là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

Châu Âu đối phó ra sao?

Hungary là quốc gia đầu tiên đồng tình với kế hoạch giao dịch bằng đồng ruble. Ngoài ra, ba công ty dầu khí lớn nhất của Đức (Uniper), Italy (Eni) và Áo (OMV) cũng đang tìm cách chấp thuận các quy định của Moscow.

Khi một số tập đoàn năng lượng EU đang chuẩn bị sử dụng một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt Nga, giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ đe dọa sự thống nhất của khối, theo Guardian.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói sẽ không chấp thuận yêu cầu của phía Nga.

Công nhân đang lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của Gazprom. Ảnh: Bloomberg.

Phân tích sơ bộ của EU hồi đầu tháng chỉ ra việc chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble sẽ phá vỡ các lệnh trừng phạt, vì quá trình chuyển đổi tiền tệ trong khâu trung gian giữa hai tài khoản tại Gazprombank liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga – vốn đang chịu các lệnh trừng phạt.

“Quá trình chuyển đổi có thể mất một khoảng thời gian không xác định. Trong thời gian này, ngoại tệ hoàn toàn nằm trong tay các cơ quan của Nga, bao gồm Ngân hàng Trung ương. Nó thậm chí có thể bị coi là khoản vay do các công ty EU cấp”, Ủy ban châu Âu cho biết.

Ngày 28/4, các quan chức EU xác nhận bất kỳ công ty nào đồng ý mở tài khoản thanh toán bằng đồng ruble tại Nga để mua khí đốt sẽ phá vỡ các lệnh trừng phạt.

Châu Âu có thể “lách luật” không?

Ủy ban châu Âu hôm 24/4 ra văn bản hướng dẫn các công ty thuộc EU thanh toán khí đốt từ Nga bằng đồng ruble mà không vi phạm lệnh trừng phạt.

Văn bản cho biết các công ty châu Âu đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng sau khi chuyển khoản USD/EUR cho ngân hàng Nga.

Giai đoạn chuyển đổi ngoại tệ – liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga – sẽ diễn ra sau đó, có nghĩa là bên mua về mặt kỹ thuật không phá vỡ các lệnh trừng phạt.

Theo hướng dẫn của EU, bên mua cũng có thể tuyên bố công khai việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán bằng USD/EUR. Khó khăn của lựa chọn này là các công ty châu Âu phải cần xác nhận từ phía Nga – cụ thể là Gazprom – rằng họ đã tuân thủ Nghị định 172.

Gazprom và Gazprombank không nằm trong danh sách bị trừng phạt của EU, do đó bên mua có thể đề xuất các giải pháp như trên mà không phá vỡ các lệnh trừng phạt.

Những giải pháp như vậy là điều OMV hay Uniper đang cân nhắc. Uniper nói rằng họ đang xem xét “các phương thức thanh toán cụ thể” mà vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt.

Vì sao Nga muốn thanh toán bằng đồng ruble?

Việc Moscow sử dụng khí đốt như “lá bài” chiến lược để củng cố nền kinh tế đã được biết đến ngay khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khiến giá trị đồng ruble giảm mạnh, làm tăng nguy cơ siêu lạm phát tại Moscow. Để đáp trả, Nga đã kiểm soát vốn nghiêm ngặt, theo đó các công ty xuất khẩu phải chuyển ngoại tệ thu được sang đồng ruble.

Dầu khí đang là lá bài của Nga khiến phương Tây chia rẽ. Ảnh: AP.

Liam Peach, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nói rằng việc kiểm soát vốn khiến đồng ruble trở thành tiền tệ chính trong các giao dịch, giải thích cho việc đồng tiền này phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm sâu trong giai đoạn đầu, theo Guardian.

Ông Peach nói hành động nhắm vào Ba Lan và Bulgaria sẽ không có tác động kinh tế lớn đối với Nga. “Các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ tiếp tục thanh toán cho Gazprombank bằng EUR – sau đó được chuyển sang đồng ruble. Điều này không có khác biệt lớn”.

“Về mặt chính trị, ông Putin muốn cho thấy Nga đang đứng vững trước các lệnh trừng phạt, và có thể gây áp lực ngược lại”, ông nói.

Vì sao Nga không muốn thanh toán bằng USD hay EUR?

Có hai giải thích cho việc này. Thứ nhất, thanh toán bằng USD/EUR sẽ được đưa vào dự trữ ngoại tệ của Nga, vốn bị đóng băng kể từ khi chiến sự bắt đầu. Thanh toán khí đốt bằng đồng ruble sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế khi đối mặt với suy thoái.

Thứ hai, Nga đã từng bước giảm những giao dịch thanh toán bằng USD/EUR kể từ khi sáp nhập Crimea năm 2014. Moscow muốn tăng cường thanh toán các hợp đồng năng lượng bằng đồng ruble và nhân dân tệ, và xu thế này ngày càng tăng khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.