Hình thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

288

Nghệ An cần tận dụng các nguồn lực, phát triển nhanh chóng, toàn diện để trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An vừa tổ chức tọa đàm khoa học “Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sử dụng hợp lý các nguồn lực

Ông Thái Thanh Quý – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – cho biết sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị, địa phương đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là quy mô nền kinh tế – Nghệ An hiện đứng thứ 12 trong số các địa phương, đóng góp 12,43% cho vùng và 1,85% cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 vẫn chưa đạt được.

Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế – xã hội của Nghệ An thời gian qua. Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – cho rằng chất lượng nguồn nhân lực ở Nghệ An chưa cao, thu hút đầu tư chưa hiệu quả, tỉnh không có khu công nghiệp phần mềm…

Tỉnh Nghệ An đang dần trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ

Theo ông Nguyễn Thế Trung – nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – địa phương cần làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan về những tồn tại, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển. Việc thu hút đầu tư chưa tốt thì phải xem nguyên nhân từ đâu, từ thủ tục hành chính hay yếu tố cán bộ, công chức…

Nhiều đại biểu cho rằng để Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ, cần phải sử dụng hợp lý các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư. Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – nhận xét: “Nghệ An muốn phát triển phải ứng dụng chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thông qua cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả đầu tư công”.

TS – kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận cần khẳng định vai trò của đô thị hóa như một động lực cho sự phát triển của Nghệ An, đặc biệt là TP Vinh mở rộng và các thị xã Hoàng Mai, Thái Hòa. Ngoài ra, để Nghệ An phát triển, phải hình thành, nâng cấp đường cao tốc, cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế…

Phát triển bền vững

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần phải có cơ chế ưu tiên đối với các khu vực, lĩnh vực trọng điểm của Nghệ An. Cụ thể, phải ưu tiên thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược; phát triển TP Vinh về kinh tế – văn hóa sao cho xứng tầm ở vùng Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, cần phát triển khu vực miền Tây Nghệ An theo phương thức mới, gắn với chuỗi giá trị công nghệ cao, chiến lược phát triển doanh nghiệp xứng tầm.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, không chỉ Nghệ An, các bộ, ngành trung ương cũng cần tổng kết, đánh giá về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình và kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Trên cơ sở đó, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế; có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới phù hợp, hiệu quả.

Ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – thống nhất với các ý kiến đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về “phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển bền vững tỉnh Nghệ An, để địa phương này thực sự trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù

Ngày 13-11-2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Nghệ An về tài chính – ngân sách và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Theo đó, về quản lý tài chính – ngân sách, Nghệ An được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và tổ chức khác trong nước… HĐND tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền quyết định.

Tác giả: Đức Ngọc

Nguồn tin: https://nld.com.vn/thoi-su/hinh-thanh-trung-tam-vung-bac-trung-bo-20221222200803098.htm