Phụ nữ độc thân khó có cơ hội làm sếp
Không vướng bận con cái, gia đình nhưng phụ nữ Mỹ độc thân gặp phải nhiều định kiến khiến không thể thăng tiến.
Không vướng bận con cái, gia đình nhưng phụ nữ Mỹ độc thân gặp phải nhiều định kiến khiến không thể thăng tiến.
Đại dịch đã chất chồng thêm khó khăn cho những người mẹ đi làm. Nhiều người cho biết, họ mệt mỏi, kiệt sức hoặc trì trệ trong sự nghiệp khi phải cân bằng giữa công việc và chăm sóc con.
Nhưng các nhà xã hội học Mỹ cũng phát hiện nhóm nữ giới độc thân cũng gặp trở ngại trong sự nghiệp. Họ được đánh giá là người có học vấn tốt, chưa lập gia đình, đủ điều kiện cống hiến nhưng bị gắn định kiến thiếu năng lực lãnh đạo. Những người này thường bị coi là quá nam tính cho vị trí quản lý, trong khi nam giới độc thân có đặc điểm tương tự lại được đề cao.
“Mọi sự bất bình đẳng giới đều liên quan đến vai trò làm mẹ của phụ nữ. Một lý do khác khiến nữ giới khó có cơ hội phát triển là kỳ vọng giới tính, ngay cả khi họ chọn kết hôn hoặc có con hay không”, Jennifer Merluzzi, Giáo sư tại Đại học George Washington, một trong những tác giả của nghiên cứu về sự thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ trẻ độc thân, cho biết.
Merluzzi và người cộng sự Damon J. Phillips đã ghi nhận phát hiện này khi tiến hành nghiên cứu hai nhóm đối tượng, gồm hàng trăm sinh viên ở năm đại học kinh doanh hàng đầu tại Mỹ, tốt nghiệp năm 2008 và 2009.
“Chúng tôi tình cờ phát hiện những phụ nữ độc thân có năng lực tốt, kỹ năng phân tích xuất chúng, có thể trở thành CEO và lãnh đạo của các công ty trong tương lai, lại bị kìm kẹp con đường phát triển vì định kiến xã hội”, Merluzzi nói.
Trong nghiên cứu đầu tiên, họ đã khảo sát hàng trăm sinh viên tại một trường đại học. Cuộc khảo sát hỏi về hai ứng viên độc thân, sơ yếu lý lịch giống nhau, xin vào làm tại một ngân hàng đầu tư. Ứng viên nữ tên Anne và người nam tên Tim.
Những sinh viên trả lời khảo sát cho rằng Anne “phân tích quá sâu sắc, không có kỹ năng để trở thành một nhà lãnh đạo”. Nhưng khi xem xét Tim, họ nhận định anh có thể thăng tiến trong công việc vì hội tụ đủ phẩm chất của người lãnh đạo.
Nghiên cứu thứ hai kiểm tra sự phát triển nghề nghiệp của hai nhóm sinh viên có bằng quản trị kinh doanh (MBA). Một lần nữa, những phụ nữ độc thân có kỹ năng phân tích nổi trội bị từ chối đảm nhận các vị trí cấp cao.
Phụ nữ độc thân luôn bị kìm kẹp bởi định kiến xã hội, khó có cơ hội thăng tiến. Ảnh minh họa: María Alconada Brooks/The Washington Post
Nhiều nghiên cứu, tài liệu đã chứng minh các rào cản khác nhau mà nữ giới phải đối mặt ở nơi làm việc. Nhân viên nữ làm việc ở công ty do sếp nam quản lý có tỷ lệ phân biệt đối xử cao hơn. Đàn ông Mỹ tin rằng họ lãnh đạo tốt hơn nữ giới và phụ nữ da màu phải chịu nhiều kiểu công kích trong môi trường làm việc.
Nhưng rất ít nghiên cứu tập trung vào nhóm phụ nữ độc thân tại nơi làm việc. Năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện nữ giới độc thân phải hạ thấp tham vọng và mục tiêu sự nghiệp của họ. Nghiên cứu khác năm 2018 cũng cho thấy nhân viên độc thân ít có cơ hội phát triển. Nhiều phụ nữ nói rằng họ có cảm giác bị kìm kẹp khả năng phát triển bởi giới tính và tình trạng hôn nhân.
Renee Cohen, sống ở Los Angeles, bang California, cũng gặp phải những thành kiến với phụ nữ độc thân. “Môi trường công sở là nơi hội tụ đủ những thành kiến về giới nếu nhân viên nữ có tham vọng. Quả thực rất khó để thăng tiến”, người phụ nữ 34 tuổi cho biết.
Cohen cũng cho rằng phụ nữ độc thân gặp nhiều áp lực khi phải tan làm muộn hơn hoặc gánh vác nhiều trách nhiệm hơn đồng nghiệp. “Tôi sẽ không làm tăng ca chỉ vì đang độc thân và có nhiều thời gian rảnh. Điều này không hợp lý”, cô nói.
Một lý do khiến Cohen chuyển sang nghề lập kế hoạch tài chính vì muốn giúp phụ nữ có quyền kiểm soát tiền bạc. Khi đồng nghiệp nam hỏi cô muốn làm với tệp khách hàng nào, cô nói muốn tiếp cận những người phụ nữ ở độ tuổi 30 và phải tự quản lý tài chính. Câu hỏi của người kia là “Tại sao cô muốn giúp phụ nữ độc thân lập kế hoạch tài chính? Họ cần tiền để làm gì?”, khiến người phụ nữ 43 tuổi nhớ mãi.
Theo nghiên cứu của Merluzzi và Phillips, những kiểu định kiến trên ảnh hưởng đến sự thăng tiến của nữ giới. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng nữ giới có thể phải đối mặt với sự phân biệt trong sự nghiệp, từ lúc bắt đầu đi làm đến khi trở thành vợ, thành mẹ.
Nhà xã hội học Marianne Cooper, học giả nghiên cứu cấp cao tại Đại học Stanford cho biết: “Ở mọi giai đoạn của cuộc đời và sự nghiệp, phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản để trở thành lãnh đạo. Chúng thay đổi tùy thuộc vào tuổi tác, chủng tộc và tình trạng hôn nhân. So với nam giới, phụ nữ không dễ dàng nhận được cơ hội phát triển”.
Karen VanHouten, ngoài 50 tuổi, lãnh đạo tại một công ty tư vấn công nghệ, chia sẻ những khó khăn trong lĩnh vực nghề nghiệp do nam giới quản lý và những năm tháng đầu sự nghiệp.
Nhưng thành kiến bà phải gặp nhiều gấp đôi nam giới. Một mặt, đồng nghiệp đã lập gia đình luôn kỳ vọng Keran nhận nhiều việc hơn vì chưa có con. Mặt khác, bà luôn bị nhà tuyển dụng hỏi dò “bao giờ sinh con”, trước khi quyết định tuyển dụng hay từ chối.
“Tôi nghĩ rằng khả năng thăng tiến của bản thân bị chậm lại trong quãng thời gian lập gia đình, và bắt đầu khởi sắc khi ly hôn. Tôi dần nhận được sự tín nhiệm và thăng tiến”, bà Karen nói.
Merluzzi nói rằng cả nhà tuyển dụng và người lao động nên nhận thức rõ hơn về những thành kiến mà nữ giới phải đối mặt. Người tuyển dụng cần hiểu rõ việc đánh giá năng lực một con người không thể dựa vào việc họ đã kết hôn hay giới tính.
Minh Hằng (Theo Washington Post)
https://vnexpress.net/phu-nu-doc-than-kho-co-co-hoi-lam-sep-4456688.html