Bão tố dưới những cánh rừng vàng [Kỳ 3]: Bi kịch phá rừng nghèo để trồng rừng giàu

365

Nghệ An đất rộng người đông, rừng núi bạt ngàn nhưng diện tích rừng trồng lại quá ít. Áp lực đè nặng khiến nhiều người chấp nhận vướng vòng lao lý, sẵn sàng phá rừng.

Nghệ An có quá nhiều diện tích rừng tự nhiên hiện trạng là rừng nghèo kiệt. Ảnh: Việt Khánh.

Biết sai vẫn làm

“Phá rừng nghèo để trồng rừng giàu” là thực trạng phổ biến tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là những nơi có điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ, phù hợp với việc trồng rừng nguyên liệu như huyện Quỳ Châu.

Phải thừa nhận thu nhập từ trồng rừng nơi đây rất khá. Thông qua trồng keo đơn thuần chỉ sau chu kỳ 4 – 5 năm có thể lãi ròng cả trăm triệu đồng/ha, nếu áp dụng quy trình thâm canh 7 – 10 năm dưới dạng gỗ lớn thu nhập có thể tăng gấp 2 đến 3 lần. Năm 2022 tổng doanh thu từ rừng của địa phương này đạt kịch kim 700 tỷ đồng, năm 2023 dù có nhiều biến động nhưng cũng duy trì ở mức 400 tỷ – 500 tỷ đồng, rõ ràng cao hơn nhiều so với trồng lúa và sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Người dân bản địa tại Quỳ Châu rất cần tư liệu sản xuất để cải thiện sinh kế. Ảnh: Việt Khánh.

“Rừng Quỳ Châu chất lượng tốt nhất toàn tỉnh Nghệ An, từ thực tế đó nhiều hộ bấp chấp, sẵn sàng vi phạm pháp luật để có đất trồng rừng, điều này gây ra nhiều khó khăn, áp lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng kiểm lâm”, ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu khẳng định.

Rất nhiều vụ việc đã bị phát giác từ năm 2015 đến nay, nổi cộm là 26 vụ vi phạm bị khởi tố hình sự. Một cán bộ kiểm lâm thật tâm chia sẻ, quá trình thực thi họ hiểu rõ hơn ai hết thực trạng bí bách, rất cám cảnh khi xử phạt bởi phần đa đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống còn khốn khó đủ bề. Gánh nặng cơm áo gạo tiền kéo dài mải miết, dần dà hình thành nên hành vi sai lệch, chua chát hơn khi họ… sẵn sàng chấp nhận điều đó.

Với những ai theo dõi vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng của Lữ Văn Phường, trú tại bản Cướm, xã Diên Lãm, có lẽ sẽ ám ảnh không thôi trước những lời bộc bạch chất chứa của bị cáo này: “Tôi biết hành vi của mình là trái pháp luật, tôi thừa biết phải đi tù nhưng tha thiết để lại đất sản xuất cho con cháu, nên có đi tù vài ba năm tôi cũng chấp nhận”.

Theo cáo trạng, năm 2003 Lữ Văn Phường được nhà nước giao quản lý và bảo vệ 49.100 m2 rừng sản xuất thuộc các lô 12, 16, khoảnh 9, thửa 365, tiểu khu 231 thuộc bản Cướm, xã Diên Lãm. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 – 2/2022, Lữ Văn Phường một mình dùng cưa xăng và dao tự ý chặt phá diện tích 11.830 m2 rừng khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, gây thiệt hại về lâm sản hơn 10,7 triệu đồng. Từ hành vi trên, bị cáo bị tuyên phạt 3 năm tù. Đáng nói, trên địa bàn huyện Quỳ Châu nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An những trường hợp như Lữ Văn Phường không hiếm gặp.

Khư khư giữ rừng nhưng không thể trực tiếp trồng và khai thác, tất cả chỉ gói gọn quanh ít tiền khoán bọt bèo hàng năm, trong khi vật giá không ngừng leo thang quả thực là bài toán nan giải của số đông đồng bào vùng cao. Đến hẹn lại lên, mỗi cuộc họp, mỗi lần tiếp xúc cử tri dân bản lại đưa ra ra mổ xẻ, nào là rừng nghèo kiệt sao không được canh tác? dây leo, bụi rậm thế kia giữ lại có ích lợi gì? đất của tôi, rừng của tôi nhưng chẳng kiếm được cái gì trên rừng cả?

Quanh năm suốt tháng, triền miên từ năm này sang năm khác vẫn chỉ gói gọn những băn khoăn, thắc mắc ấy, dân bản không có đòi hỏi gì hơn ngoài giá trị vốn rừng mang lại. Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng thấu hiểu nhưng chẳng thể “vượt rào” khi quyền hạn không cho phép, đồng thời chỉ biết lấy các chính sách hỗ trợ của nhà nước mong giảm nhiệt căng thẳng. Ở góc độ nào đó chỉ như thể “chữa cháy” trước mắt, với định mức bình quân 300.000 – 400.000 đồng/ha/năm là quá khó để người dân… ấm cái bụng.

Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên nhiều người dân địa phương đã vướng vòng lao lý. Ảnh: Việt Khánh.

Trở lại với nội dung chính, đối với những diện tích thuộc diện “rừng cấm” thì mỗi nhát cuốc bổ xuống đều bị quy ra tội. Trước đây người dân chủ yếu phát đốt trên diện rộng, nay để che mắt cơ quan chức năng họ chuyển đổi sang hình thức “ken cây”. Cứ sau mỗi bận phát dọn thực bì hay khai thác thành phẩm họ lại nhích thêm, cơi nới từng chút ngoài ranh giới đã định, khi thấy yên thì chủ động trồng cây lên diện tích đó. Rừng núi bạt ngàn, địa hình hiểm trở, trong khi sức người có hạn, rõ ràng để quán xuyến tận gốc vấn đề là vô cùng khó khăn.

Người vùng cao phải sống được nhờ rừng

Huyện qU Châu có khoảng 94.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng trồng khoảng 22.600 ha, đứng tốp đầu toàn tỉnh nhưng chưa thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Qua khảo sát, ghi nhận toàn huyện có hơn 30.000 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đáng nói rừng nghèo kiệt chiếm đến phân nửa. Rừng này hiện trạng phần nhiều là dây leo bụi rậm, khó đảm bảo chức năng giữ đất, giữ nước, phòng chống thiên tai, chính quyền và người dân đều mong muốn được “cởi trói” nhưng bất khả thi khi “chủ trương đóng cửa rừng” vẫn còn hiệu lực.

Trước nghịch cảnh dở khóc dở cười, một lãnh đạo huyện Quỳ Châu đã thốt lên cay đắng: “Khư khư ôm rừng nghèo kiệt như thể một bản án treo lơ lửng trước mặt, những diện tích này không có nhiều giá trị nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn phải nai lưng quán xuyến, trong khi dân thiếu đất canh tác, nhưng động đến là đi tù. Đấy anh xem, phần lớn trường hợp vi phạm là hộ nghèo, họ không có công ăn việc làm, thiếu tư liệu sản xuất, cám cảnh lắm chứ”.

Không nghề ngỗng ổn định, thiếu kế sinh nhai nên người dân lại phải cậy nhờ đến rừng. Ảnh: Quốc Toản.

“Người dân miền núi phải có đủ quỹ đất nhất định để tạo sinh kế và phát triển kinh tế rừng bền vững. Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất thiết phải bảo vệ nghiêm ngặt, không được phép động đến, điều này là bất di bất dịch. Riêng những diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên ở trạng thái nghèo kiệt cần rà soát, tính toán để tháo gỡ, có như thế mới giảm tải áp lực cho các bên”, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu bày tỏ quan điểm.

Từ nhu cầu hết sức cấp thiết, huyện Quỳ Châu đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch dài hơi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Huyện này đã thuê đơn vị tư vấn quy hoạch, phân loại chi tiết thành từng nhóm rừng, vai trò được phân định rạch ròi.

Thiếu trầm trọng đất rừng không chỉ là câu chuyện của riêng huyện Quỳ Châu mà đã lan rộng sang các huyện có rừng ở tỉnh Nghệ An. Độ 2, 3 năm trở lại đây, huyện Con Cuông nổi lên là điểm nóng. Con số hơn 200 vụ vi phạm trong khoảng thời gian này có thể khiến dư luận giật mình, tuy nhiên với những người trong cuộc thì họ hiểu rằng đó là chuyện không thể khác.

Hiện nay người dân huyện Con Cuông đang thiếu đất sản xuất nghiêm trọng. Ảnh: Việt Khánh.

Theo hồ sơ lưu trữ từ Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông, từ đầu năm 2023 đến nay đơn vị đã lập biên bản, xử phạt hành chính hàng loạt vụ việc. Nhìn vào tình tiết có thể hiểu thấu phần nào bản chất, ví như trường hợp của Quang Thị T. (trú xã Lục Dạ), Trần Thanh B. (trú thôn 2/9, xã Bồng Khê), Lê Ngọc H. (bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục)… đều thực hiện phá rừng trái luật trên diện tích thuộc hộ gia đình, cá nhân quản lý, trạng thái chỉ là rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng.

Ông Lương Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chốt lại: “Số liệu kiểm kê 3 loại rừng trước đây chưa chính xác, nay phải rà soát đúng bản chất để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, nếu là rừng nghèo kiệt nhất thiết nên chuyển sang rừng sản xuất”.

Theo Việt Khánh – Quốc Toản

Nguồn https://nongnghiep.vn/bao-to-duoi-nhung-canh-rung-vang-ky-3-bi-kich-pha-rung-ngheo-de-trong-rung-giau-d359676.html